Trải qua tuần đầu tiên nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1, TS Lê Việt Thủy – Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân - đưa ra lời khuyên, thí sinh nên rút hồ sơ trước ngày 19/8.
Theo TS Thủy, nhiều thí sinh và phụ huynh cố gắng chờ đợi đến phút chót để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, điều rủi ro ở chỗ sẽ có nhiều người có suy nghĩ như vậy nên việc rút hồ sơ và nộp hồ sơ vào ngày cuối cùng sẽ quá tải.
Trong những ngày “đỉnh điểm” của hồ sơ xét tuyển, thạc sĩ Lê Việt Anh - Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Ngoại thương khuyên thí sinh không nên nhìn danh sách điểm nộp hồ sơ mà lo sợ. Bởi hiện tại, số liệu các trường công bố trên website 3 ngày một lượt rất khó có thể xác định chính xác vị trí điểm của mình. Nguyên nhân là mỗi trường có một cách sắp xếp riêng, trong đó một học sinh xét theo 4 nguyện vọng là nhân lên gấp 4 lần. "Nếu không hình dung được bản chất vấn đề, chúng ta sẽ thấy số lượng hồ sơ nộp quá nhiều, dẫn đến lo lắng, đưa ra quyết định không chính xác" - thạc sĩ Việt Anh nhấn mạnh. Sau khi tiếp thu ý kiến của rất nhiều phụ huynh, học sinh, Đại học Ngoại thương Hà Nội đã điều chỉnh danh sách công bố theo ngàng ngang, số lượng thí sinh nộp 4 nguyện vọng sẽ được đánh giá theo nguyện vọng thứ nhất.
Chia sẻ việc lựa chọn nghề nghiệp, thạc sĩ Phạm Thành Công – Phó trưởng phòng Đại diện Đại học Công nghiệp Hà Nội - khuyên học sinh nên lựa chọn công việc mình yêu thích, dù chỉ là hệ cao đẳng, sẽ tạo động lực học tập và có cơ hội việc làm cao hơn. Năm nay, Đại học Công nghiệp có 22 chuyên ngành, ngành đào tạo hệ cao đẳng, tạo cơ hội cho những thí sinh điểm thấp có cơ hội vào trường. Thạc sĩ Phạm Thành Công đưa ra ví dụ: Một học sinh đạt ngưỡng 15 điểm, NV1 có thể đăng ký đại học, những nguyện vọng sau đăng ký cao đẳng. Đại học Công nghiệp vừa nâng cấp phần mềm tra cứu điểm xét nguyện vọng 1. Những thí sinh chưa nộp hồ sơ có thể tra cứu xem mình xếp thứ hạng bao nhiêu, nếu xa so với chỉ tiêu các em có thể cân nhắc chọn ngành khác hoặc trường khác.
Quyên Quyên
(zing.vn)
Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com