Chưa thành lập phân hiệu đã tuyển sinh
Lần theo thông tin trên tờ rơi của Trường ĐH Hòa Bình, chúng tôi đến địa chỉ số 7 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM để nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 2. Khi chúng tôi trình bày nguyện vọng muốn nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào ngành Quản trị kinh doanh với kết quả khối A đạt 15,5 điểm (chưa tính điểm ưu tiên), cô nhân viên trả lời: “Với số điểm này, em sẽ đậu ngay. Giờ em đóng 50.000 đồng bao gồm lệ phí xét tuyển NV2 và lệ phí hồ sơ trúng tuyển”.
Giải đáp những băn khoăn của chúng tôi xung quanh chuyện học tại Hà Nội hay học tại những địa chỉ in trên tờ rơi, cô nhân viên liền cởi mở: “Em sẽ học ở cơ sở của trường tại 137E Nguyễn Chí Thanh, phường 9, quận 5, TPHCM”. Sau khi hoàn tất thủ tục, chúng tôi được cô nhân viên này bỏ nhỏ: “Đến ngày 10-9, nếu chưa nhận giấy báo trúng tuyển NV2, em phải gọi điện thoại để trường xử lý nha”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trường ĐH Hòa Bình có cơ sở chính tại lô CC2, Khu đô thị Mỹ Đình 2, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cơ sở tại TPHCM chỉ là văn phòng đại diện nhưng thực tế chỉ là Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế.
Mặt khác, Trường ĐH Hòa Bình cũng chưa được phép lập phân hiệu tại TPHCM. Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 48 của Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ về điều lệ trường đại học có nêu rõ: “Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của trường đại học… không thực hiện tuyển sinh, không tổ chức hoạt động đào tạo và hoạt động khoa học và công nghệ”.
Cũng theo Quyết định 58, các trường đại học muốn đào tạo chính quy tại các tỉnh, thành phố khác với nơi đặt trụ sở chính của trường, phải lập phân hiệu. Việc thành lập phân hiệu phải do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập khi đáp ứng các điều kiện như thành lập trường đại học theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, cho đến nay, Trường ĐH Hòa Bình vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nói trên để được phép tuyển sinh, đào tạo hệ đại học, cao đẳng chính quy tại TPHCM.
Mù mờ ký kết hợp đồng liên kết đào tạo
Cầm trên tay 2 bản hợp đồng đào tạo giữa Trường ĐH Hòa Bình với Trường Trung cấp nghề Thủ Đức và Trường Trung cấp nghề Nhân đạo quận 3 do chúng tôi cung cấp, ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH TPHCM vội vã gọi điện thoại cho 2 hiệu trưởng trường trung cấp này để xác minh. Ngay sau đó, ông Nguyễn Thành Hiệp không kiềm chế được cơn nóng giận: “Các anh làm ăn quá ẩu. Nếu đối tác không có giấy phép đào tạo nghề, trong ngày hôm nay phải thảo ngay hợp đồng chấm dứt hợp tác đào tạo đã ký”.
Trên thực tế, khi chúng tôi đến Trường Trung cấp nghề Thủ Đức thì được biết, trường đã cấp cho hơn 63 sinh viên giấy báo trúng tuyển liên thông từ hệ trung cấp lên cao đẳng ở 2 ngành Điện công nghiệp và Kế toán doanh nghiệp với Trường ĐH Hòa Bình.
Ông Trần Văn Hai, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thủ Đức, cho biết: “Đến nay, Trường ĐH Hòa Bình vẫn chưa có giấy phép nên chúng tôi quyết định tạm ngưng tổ chức đào tạo liên kết cho 63 sinh viên này”. Ông Hai giãi bày: “Khi ký hợp đồng, chúng tôi có yêu cầu giấy phép đào tạo nghề nhưng Trường ĐH Hòa Bình nói là đang xin và sẽ cung cấp sau”.
Tại Trường Trung cấp nghề Nhân đạo quận 3, Trường ĐH Hòa Bình cũng quyết định mở lớp đào tạo hệ cao đẳng nghề (liên thông từ trung cấp) cho 79 thí sinh trúng tuyển vào 4 ngành: Điện công nghiệp, Kỹ thuật nhiệt điện lạnh và điều hòa không khí, Quản trị máy tính, Cắt gọt kim loại.
Theo một diễn biến khác, trong năm 2010, Trường ĐH Hòa Bình cũng ký hợp đồng liên kết đào tạo với Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định. Tuy nhiên, trong khi TS Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định cho rằng hợp đồng trên chỉ là hợp đồng nguyên tắc chứ chưa triển khai đào tạo thì theo xác nhận của Trường ĐH Hòa Bình, hợp đồng đến nay vẫn còn giá trị và đã triển khai đào tạo cho sinh viên hệ cao đẳng!
Lý giải về những sai phạm trong tuyển sinh, liên kết đào tạo nghề, GS-TS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình cho biết: “Đúng là trường chưa thành lập phân hiệu tại TPHCM và cũng chưa có giấy phép đào tạo nghề. Chúng tôi đang hoàn tất thủ tục để xin các cấp quản lý cấp giấy phép để được hoạt động tuyển sinh, đào tạo tại TPHCM”.
Về vấn đề liên kết với Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, GS-TS Đặng Ứng Vận nói: “Nếu muốn biết thêm chi tiết, liên hệ văn phòng đại diện tại TPHCM”. Tuy nhiên, dù chúng tôi đã cố gắng liên hệ qua số điện thoại di động của trưởng văn phòng đại diện ĐH Hòa Bình tại TPHCM nhưng vẫn không liên hệ được.
Việc liên kết, liên thông trong đào tạo sẽ mở ra nhiều cơ hội học tập cho người học. Tuy nhiên, nếu làm không đúng quy định, không có sự thẩm định và cấp phép của cơ quan chức năng thì người học sẽ đối diện với nhiều rủi ro. Chưa kể những hoạt động đào tạo không phép sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc mà người nhận lãnh chính là sinh viên, học viên.
THANH HÙNG
07/09/2011 – sggp.org.vn
Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com
Cảm ơn bạn đã hoàn thành form. Hãy nhấn vào liên kết dưới đây để tải tệp:
Tải xuống tệp