Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp có thể giảm
Trường ĐH Thủy lợi hoàn thành việc chấm thi từ ngày 12.7 và đang thực hiện việc nhập điểm theo đúng quy trình. Kết quả ban đầu cho thấy, có nhiều bài thi đạt điểm 8,9,10 ở các môn toán, văn và địa lý. Trong đó 70% bài thi môn văn đạt từ 5 – 7 điểm và 75% bài thi môn toán đạt từ 5 – 8 điểm. Ông Trịnh Minh Thụ - Trưởng ban chấm thi cụm thi này cho biết: “Ngoài các trường hợp bị đình chỉ, hầu như không có bài nào bị 0 điểm, điểm liệt (1 điểm trở xuống) cũng không nhiều, điểm cao chiếm tỷ lệ khá lớn”.
Trong khi đó, Trường ĐH Cần Thơ đã hoàn tất việc chấm thi các môn trắc nghiệm sinh, lý, hóa, riêng môn ngoại ngữ đang chờ “ráp” điểm phần viết với phần trắc nghiệm để có kết quả cuối cùng. Ông Đỗ Văn Xê – Phó Hiệu trưởng trường cho biết, qua phân tích điểm thi các môn trắc nghiệm cho thấy, số lượng bài bị điểm liệt chiếm tỷ lệ dưới 10%, mức điểm dưới 5 chiếm 25%, điểm phổ biến từ 5 – 6, số điểm trên 6 đạt khoảng 25%.
“Mặc dù chưa tổng hợp được điểm tất cả các môn nhưng qua phân bổ điểm của các môn trắc nghiệm có thể nói đề thi năm nay tương đối dễ hơn đề tuyển sinh ĐH, khó hơn một chút so với đề thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, dự báo tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT có thể giảm so với mọi năm (khoảng 90%) và điểm xét tuyển ĐH sẽ cao hơn một chút ở các ngành “hot” và với các ngành kém hấp dẫn điểm chuẩn sẽ thấp hơn” – ông Xê cho biết.
Tại nhiều cụm thi địa phương, số thí sinh đạt điểm thấp khá nhiều và lượng thí sinh bị điểm liệt cũng cao. Sở GDĐT Bắc Ninh thông tin, số lượng bài thi được điểm 8, 9, 10 là rất hiếm, trong khi đó điểm liệt nhiều và phổ điểm thấp hơn so với năm trước. Tương tự, Sở GDĐT Hòa Bình cho biết, điểm số cao nhất ở môn toán là 6,75 và không có điểm 10 nào ở cả 8 môn thi. Thống kê điểm thi ban đầu tại Sở GDĐT Quảng Ngãi cho thấy, điểm thấp nhất các môn là 1,75, chưa có thí sinh nào bị điểm liệt, tuy vậy số bài điểm dưới 5 rất lớn. Sở GDĐT Tây Ninh cũng thông tin, riêng môn toán có đến 94% số bài thi dưới 5 điểm (2.163 bài), phổ điểm chủ yếu ở mức 4 – 5.
Mặc dù phổ điểm thấp nhưng các Sở GDĐT đều cho rằng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ giảm nhẹ do thí sinh còn cộng điểm học bạ, điểm ưu tiên nên khả năng trượt tốt nghiệp chỉ thuộc về những thí sinh… bị điểm liệt và số lượng lớn (gấp 3 lần so với năm trước) các thí sinh vi phạm quy chế thi.
Khó cho học sinh nông thôn
Không lo lắng về điểm tốt nghiệp nhưng điều kiện để xét tuyển, rút – nộp hồ sơ vào các trường ĐH-CĐ là nỗi lo của ít học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Mặc dù làm bài thi khá tốt nhưng em Nguyễn Trung Kiên ở xã Lang Sơn (Hạ Hòa, Phú Thọ) vẫn rất lo lắng: “Em thi khối A, làm bài xong tự chấm thì được khoảng 24 điểm. Với số điểm này như các năm trước là kiểu gì cũng yên tâm đỗ ĐH Kinh tế Quốc dân, nhưng năm nay thì vẫn chưa biết thế nào vì em chắc các bạn được điểm cao sẽ đua nhau gửi vào các trường “top” như ĐH Kinh tế Quốc dân”.
Kiên cũng cho biết, em đã chuẩn bị tinh thần, nếu có “nguy cơ” trượt thì sẽ rút hồ sơ: “Em phải lên thị trấn cách nhà gần 20km mới có quán Internet, vì vậy việc theo dõi thông tin sẽ rất khó khăn, đó là không kể nếu phải đi lại chuyển hồ sơ sang trường khác” – Kiên nói.
Đó cũng là lo lắng của nhiều chuyên gia giáo dục. TS Lê Viết Khuyến – Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam) cho biết: “Bộ GDĐT cho rằng việc xét tuyển ĐH sau khi có điểm thi THPT quốc gia sẽ giảm lượng hồ sơ “ảo” nhưng thực tế “ảo” sẽ tăng do thí sinh sẽ liên tục rút và gửi hồ sơ trong thời gian xét tuyển”. Cũng theo ông Khuyến, bản thân thí sinh cũng sẽ rất mệt mỏi trong việc phải cập nhật thông tin tuyển sinh liên tục. Đối với thí sinh ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp xúc nhiều với Internet thì việc theo dõi thông tin để chọn trường, gửi hồ sơ, rút hồ sơ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tùng Anh (danviet.vn)
Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com
Cảm ơn bạn đã hoàn thành form. Hãy nhấn vào liên kết dưới đây để tải tệp:
Tải xuống tệp