Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga sau khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia.
Nhận định về điểm thi THPT quốc gia 2015, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết:
Nhìn chung, kết quả đạt được năm nay cao hơn kỳ thi ĐH những năm trước, bởi năm nay có 60% kiến thức cơ bản trong đề thi. Phổ điểm công bố cho thấy 5 - 6 điểm nhiều nhưng 9, 10 ít hơn; điểm phân bố rất đều nên tạo thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh năm nay.
Dự kiến ngưỡng đảm bảm chất lượng sẽ tăng
- Với mức điểm thi như vậy thì bức tranh xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Dự kiến 28/7, Hội đồng xét duyệt ngưỡng điểm đầu vào ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT sẽ họp. Trên cơ sở phân tích phổ điểm thí sinh, Hội đồng sẽ tư vấn cho Bộ trưởng xác định một ngưỡng đảm bảo chất lượng. Theo đó, với điểm này học sinh có thể học tập ở bậc ĐH, CĐ.
Năm nay, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chỉ có tác dụng đối với các trường dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, không liên quan nhiều đến chỉ tiêu toàn quốc như mọi năm.
Khoảng 200 trường ĐH, CĐ tuyển sinh bằng xét học bạ học sinh THPT nên chỉ sử dụng một ít chỉ tiêu để tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Do kết quả làm bài của thí sinh khá tốt nên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm nay sẽ nhích lên hơn mọi năm.
- Liệu như vậy có làm các trường top giữa tuyển sinh khó khăn hay không, thưa Thứ trưởng?
Thực ra phổ điểm năm nay không quá dốc mà phân bố khá đều nên có sự phân khúc nguồn tuyển rất rõ ràng. Mọi năm, thí sinh đăng ký thi vào trường nào xét vào trường đó. Nhưng năm nay, thí sinh không thi tại trường, nhưng có điểm đảm bảo ngưỡng, phù hợp với yêu cầu các trường đều có thể nộp hồ sơ.
Số lượng nhận hồ sơ của các trường năm nay không bị giới hạn như trước nên sẽ thu hút thí sinh tốt hơn mọi năm. Vì vậy, trường dù ở tốp nào đi nữa thì vẫn có nguồn tuyển tương đối dồi dào.
Trường ĐH sẽ chủ động hơn
- Nhiều ý kiến cho rằng, với cách xét tuyển như năm nay, thí sinh sẽ rất chủ động nhưng trường ĐH lại bị động trong xét tuyển, Thứ trưởng nhận định ra sao về ý kiến này?
Trường ĐH năm nay sẽ chủ động hơn những lần trước bởi họ biết phổ điểm của thí sinh và tự đặt ra ngưỡng để thí sinh nộp vào.
Bên cạnh đó, những em đã trúng tuyển đợt xét tuyển trước không được tham gia xét tuyển đợt tiếp theo, bởi vậy các trường không bị tình trạng thí sinh trúng tuyển rồi bỏ sang các trường khác như mọi năm, bởi vậy hoàn toàn chủ động trong việc xét tuyển.
Hơn nữa, theo quy định năm nay, đợt 1 chỉ có 1 giấy báo kết quả thi, thí sinh chỉ nộp vào 1 trường duy nhất nên không có tình trạng “ảo” như mọi năm, do đó các trường rất dễ dàng xác định chỉ tiêu của mình.
- Có trường hợp nào thí sinh thi đạt điểm vào đại học nhưng lại trượt tốt nghiệp hay không?
Trường hợp đó cũng có thể xảy ra, đó là thí sinh bị điểm liệt vào một trong những môn thi bắt buộc dùng để xét tốt nghiệp, do đó những em này đương nhiên không được xét tốt nghiệp.
Với những thí sinh này phải chờ sang năm để thi lại, nếu đạt tốt nghiệp mới xét tuyển được vào ĐH, CĐ.
Cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ
- Vì là năm đầu tiên tuyển sinh theo cách mới nên thí sinh còn nhiều bỡ ngỡ trong việc nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thứ trưởng có lời khuyên nào giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ?
Năm nay với quy chế mới, thí sinh có rất nhiều thuận lợi, tránh được nhiều rủi ro. Mọi năm, các em nộp đơn thi vào trường, chưa biết có bao nhiêu bạn cũng vào trường có điểm cao hơn mình.
Nhưng năm nay, vì biết kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển nên các em sẽ nộp vào những trường vừa sức với mình để có khả năng trúng tuyển cao hơn.
Trong quá trình xét tuyển đợt 1, thí sinh cần theo dõi thông tin thống kê của các trường. Nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, các em có quyền rút hồ sơ nộp sang trường khác, hoàn toàn chủ động.
Tuy nhiên, thí sinh cần có sự phân tích, lựa chọn phù hợp với kết quả thi của mình, đừng lựa chọn trường cao quá để phải rút hồ sơ, ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian bởi chỉ có 20 xét tuyển đợt đầu tiên. Nếu rút hồ sơ nhiều lần sẽ không còn thời gian để nộp vào trường phù hợp.
Bởi vậy, thí sinh cần cân nhắc thật kỹ. Tuy rằng việc chọn ngành trong trường trước khi nộp hồ sơ thí sinh đã được tư vấn, tuy nhiên sau khi có kết quả thi, cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với kết quả thực tế của mình.
- Thưa Thứ trưởng, năm nay thí sinh chỉ biết điểm của mình mà không biết điểm thí sinh khác ra sao để quyết định nộp hồ sơ. Thứ trưởng có thể giải tỏa những lo lắng này của các thí sinh?
Với phổ điểm mà Bộ GD&ĐT công bố, các em sẽ biết có bao nhiêu thí sinh trên điểm của mình, để phán đoán được nên nộp vào trường nào.
Mặt khác, trong quá trình xét tuyển, cứ 3 ngày một lần các trường sẽ công bố số lượng thí sinh nộp vào trường cũng như điểm, qua theo dõi các em biết được mình có trúng tuyển hay không.
Nếu thấy nhiều bạn điểm cao hơn mình, vượt chỉ tiêu rồi thì nên rút hồ sơ nộp trường khác. Đó là những thông tin các em cần biết để phán đoán và lựa chọn.
- Nếu thí sinh có điểm bằng với điểm xét tuyển của trường có nên nộp hồ sơ không, hay phải cao hơn vài điểm mới nộp cho “chắc ăn”, thưa Thứ trưởng?
Thí sinh cần phải dựa vào điểm tuyển sinh của các trường đó những năm trước để phán đoán xem trường đó nằm ở tốp nào, với số điểm mình có thì có nên nộp hồ sơ hay không. Đó mới chỉ là phán đoán ban đầu.
Do đó, Bộ GD&ĐT có quy định cứ 3 ngày một lần phải công bố để thí sinh có dữ liệu dựa vào đó mà quyết định lựa chọn.
Thí sinh không nên lo lắng và bối rối bởi các em có đầy đủ thông tin: Kết quả thi, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, thông tin tuyển sinh của các trường...
Vấn đề là các em phải chịu khó tìm hiểu thông tin. Các em thường lo lắng khi không có thông tin, điều này đã xảy ra trong quá trình nộp hồ sơ tuyển sinh, rất nhiều em đến ngày cuối cùng, gần đi thi vẫn còn điều chỉnh sai sót và điều chỉnh ngay cả môn thi.
Do đó, các em cần chịu khó tra cứu thông tin, tất cả đều công khai rõ ràng nên không có gì phải lo lắng.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hiếu Nguyễn (ghi)
Nguồn: giaoducthoidai.vn
Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com