Trường nghề đang ngóng sinh viên
Tại Trường CĐ Điện lực TP HCM (quận 12), đến thời điểm này chỉ mới tuyển được 320/700 chỉ tiêu. "Để duy trì hoạt động, trường phải "lấy ngắn nuôi dài". Trường tổ chức khóa học ngắn hạn, đào tạo các nhân viên đã đi làm trong ngành điện lực để nâng cao tay nghề" - ThS Nguyễn Minh Quang, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Điện lực TP HCM, chia sẻ.
Chờ đợi đến phút cuối cùng
Lý giải về việc thưa thớt sinh viên (SV) nhập học, ThS Nguyễn Minh Quang cho biết do đặc thù của trường chỉ đào tạo các ngành chuyên về kỹ thuật điện - điện tử, nhóm ngành hẹp. Để khắc phục, thời gian tới, trường xin mở thêm một số ngành để đa dạng đối tượng SV; tăng cường truyền thông về trường trên các nền tảng, đưa ra những chính sách hỗ trợ SV có hoàn cảnh khó khăn.
Tương tự, đến thời điểm hiện tại, Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn (quận Gò Vấp) vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ để cố gắng đạt được lượng sinh viên như chỉ tiêu là 800. Lý do là sau khi kết thúc kỳ xét tuyển ĐH đợt 1 vào 17 giờ ngày 8-9, số lượng SV chuyển hướng sang học CĐ mới bắt đầu tăng dần.
ThS Nguyễn Văn Minh Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết việc Bộ Giáo dục và Đào tạo kéo dài thời gian tổ chức và xét tuyển ĐH khiến các trường trung cấp, CĐ đứng ngồi không yên. Các trường nghề và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) buộc lòng phải kéo dài thời gian tuyển sinh, tổ chức nhập học trễ hơn so với những năm trước.
"Trường đang bắt đầu tuần sinh hoạt lớp trong lúc chờ số SV nhập học bổ sung đến sau. Dự kiến, đầu tháng 10, trường mới làm lễ khai giảng" - ThS Nguyễn Văn Minh Tiến thông tin.
Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại (quận Phú Nhuận), cho biết mặc dù đã hết hạn nhận hồ sơ nhập học nhưng trường vẫn du di nhận thêm một số hồ sơ. TS Nguyễn Đức Minh giải thích đây là những SV đã trúng tuyển vào trường nhưng không nhập học mà chờ các kết quả trúng tuyển từ trường ĐH. "Đây là năm đầu tiên trường áp dụng hỗ trợ này cho SV. Tuy nhiên, chúng tôi không mong muốn SV chọn học CĐ chỉ là hướng đi dự phòng. Nếu SV đã quyết định theo học CĐ từ đầu thì hãy tự tin nhập học" - vị này nhấn mạnh.
Nỗi lo chất lượng giảng viên
Bên cạnh nỗi lo hụt SV, việc thiếu giảng viên (GV), nhất là GV giỏi cũng khiến nhiều trường nghề đau đầu. Lương thấp, chính sách hỗ trợ còn hạn chế chính là lý do khiến nhiều GV giỏi không bám trụ.
Hiệu trưởng Trường CĐ Điện lực TP HCM cho biết 15 năm nay không tìm được GV giỏi đế gắn bó lâu dài. "Số GV dạy nghề tại trường vừa thừa vừa thiếu. Thừa GV dạy các môn cơ bản, thiếu GV có chuyên môn, tay nghề cao về điện" - ThS Nguyễn Minh Quang cho hay. Bên cạnh đó, vì nhiều lý do khách quan mà hơn 20 năm qua, trường chưa thể cải thiện cơ sở vật chất. Ký túc xá của trường có sức chứa hơn 1.500 SV nhưng chỉ có khoảng 300 SV đến ở.
Gặp khó khăn về cơ sở vật chất trong giảng dạy, Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn đã lên ý tưởng kết hợp với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. SV sẽ học lý thuyết tại trường và thực hành tại các doanh nghiệp. Việc này vừa giúp SV dễ dàng va chạm với thực tế vừa là cơ hội để các doanh nghiệp "chọn mặt gửi vàng", tìm ra nguồn nhân lực phù hợp cho mình.
Là trường có nhiều nhóm ngành, quy mô đào tạo rộng, cơ hội tìm kiếm việc làm dễ nhưng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn cũng khan hiếm GV đào tạo chất lượng cao, đặc biệt là ở khối ngành kỹ thuật. "Nhiều vấn đề khó khăn tạo thành bài toán khó cho trường nghề" - ThS Nguyễn Văn Minh Tiến trăn trở.
Đầu tư phương tiện dạy học
Trao đổi về vấn đề thiếu hụt GV dạy nghề, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM cho biết đây là tình hình chung của các cơ sở GDNN hằng năm. Tùy vào nội lực của mỗi trường mà có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ GV.
Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã lên kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn TP HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm học mới, Sở LĐ-TB-XH TP HCM sẽ đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học tại các cơ sở GDNN công lập thuộc thành phố quản lý theo định hướng hiện đại, đầu tư hạ tầng số, thiết bị thực tập số, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, phòng học thông minh… Đồng thời thực hiện công tác chuyển đổi số trong GDNN.
Đối với các cơ sở GDNN tư thục, cơ sở được phép sử dụng kết quả kiểm định chất lượng để ưu tiên sử dụng các chính sách của thành phố trong việc thuê đất, các chính sách về thuế, xác định chỉ tiêu đào tạo hằng năm.
Huế Xuân
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/truong-nghe-dang-ngong-sinh-vien-20230912195143229.htm