Mỗi trường một mức phí
Thí sinh Nguyễn Văn Hưng (ở Hà Nội) cho biết, trước khi biết kết quả thi tốt nghiệp, em tham gia xét tuyển sớm 5 trường ĐH và lệ phí xét tuyển mỗi trường một mức. Học viện Báo chí và Tuyên truyền thu lệ phí 25.000 đồng/nguyện vọng; Học viện Ngoại giao thu 100.000 đồng/hồ sơ; Trường ĐH Công đoàn thu 20.000 đồng/nguyện vọng; Học viện Ngân hàng thu 50.000 đồng/nguyện vọng; Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thu 100.000 đồng/hồ sơ.
Ngoài việc thu lệ phí theo nguyện vọng, theo hồ sơ, có trường ĐH còn thu theo phương thức xét tuyển. Lệ phí xét tuyển của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM công bố trong đề án tuyển sinh ĐH 2023 gồm các phương thức xét tuyển thẳng, sử dụng kết quả học tập THPT năm lớp 12, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2023 đồng giá là 30.000 nghìn đồng/nguyện vọng. Còn với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, lệ phí theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trong khi đó, có trường không công khai lệ phí xét tuyển các phương thức riêng tại đề án tuyển sinh như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội mà chỉ ghi chung chung theo quy định của trường. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, khi đăng ký nguyện vọng lên hệ thống, thí sinh phải nộp 20.000 đồng/nguyện vọng. Số tiền này được nhân lên với số nguyện vọng thí sinh đăng ký mà không phân biệt nguyện vọng đó đã được nộp lệ phí rồi hay chưa.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng, hệ thống chung của Bộ ghi nhận có 3,4 triệu nguyện vọng được đăng ký. Nếu 100% số nguyện vọng này được thí sinh nộp lệ phí thì số tiền thu được là 68 tỷ đồng. Trong khi số lượng nguyện vọng thí sinh đăng kí tại các trường theo phương thức xét tuyển sớm và lệ phí trường thu lớn hơn của Bộ GD&ĐT thì số tiền thí sinh, phụ huynh phải bỏ ra không phải chỉ dừng lại ở con số gần 70 tỷ đồng này.
Từ năm 2020, Bộ GD&ĐT không quy định mức giá dịch vụ tuyển sinh đối với thí sinh tham gia xét tuyển ĐH, CĐ theo phương thức riêng vì thực hiện Luật Giá, Luật phí, lệ phí; Luật Giáo dục ĐH 2018... việc quy định mức phí dịch vụ tuyển sinh thuộc trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH; mức thu trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí thực tế phát sinh theo quy định hiện hành. Đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT (trước đây là kết quả thi THPT quốc gia), Bộ GD&ĐT có quy định từ năm 2019 và các năm tiếp theo thu 30.000 đồng/nguyện vọng.
Các Sở GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường trong việc thu phí dịch vụ tuyển sinh để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong quá trình đăng ký dự thi, xét tuyển và phân bổ mức thu để thực hiện các công việc phục vụ trực tiếp cho công tác tuyển sinh như sau: để lại Sở GD&ĐT 50% mức thu dịch vụ dự tuyển. Các trường (nơi thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển) giữ lại 20% mức thu dịch vụ tuyển sinh. Bộ GD&ĐT giữ lại 30% mức thu dịch vụ tuyển sinh.
Năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát, Bộ GD&ĐT quyết định giảm mức thu lệ phí từ 30.000 đồng/nguyện vọng xuống 20.000 đồng/nguyện vọng. Mức thu này được áp dụng cho đến năm nay.
Để tạo thuận lợi cho thí sinh
Tuy nhiên, những năm trước, thí sinh nộp lệ phí đối với phương thức xét tuyển sớm và đã trúng tuyển, khi đăng ký nguyện vọng lên hệ thống chung của Bộ thì không cần phải đóng phí đối với những nguyện vọng này; chỉ nộp lệ phí những nguyện vọng xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các nguyện vọng thí sinh đăng ký lên hệ thống xét tuyển kể cả nguyện vọng đã nộp lệ phí cho trường đều phải nộp lệ phí là 20.000 đồng/nguyện vọng. Thí sinh phải thanh toán tổng số nguyện vọng đã đăng ký và thanh toán 1 lần. Những nguyện vọng mà thí sinh không thanh toán lệ phí sẽ không được xét tuyển.
Theo quy định năm nay, giả sử thí sinh đăng ký 1 nguyện vọng vào Học viện Ngoại giao bằng phương thức xét tuyển sớm và đã trúng tuyển, khi đăng ký nguyện vọng này lên hệ thống của Bộ GD&ĐT, thí sinh phải nộp lệ phí 2 lần, 1 lần cho trường (100.000 nghìn đồng), 1 lần cho Bộ GD&ĐT (20.000 đồng).
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay hệ thống phần mềm được nâng cấp, mở rộng chức năng, cập nhật, đổi mới theo cách thí sinh đăng kí nguyện vọng theo ngành, không phải đăng kí phương thức, tổ hợp xét tuyển. Toàn bộ quy trình sắp xếp, xét nguyện vọng là do hệ thống được điều chỉnh đổi mới, mở rộng nên không có sự phân biệt trúng tuyển sớm hay không. Do đó, thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy, trúng tuyển sớm chỉ là nguồn dữ liệu để xét tuyển và hệ thống không phân biệt các trường dữ liệu này. Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, công tác xét tuyển sinh năm nay đơn giản cho thí sinh, nhưng phức tạp cho phần mềm, cho đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật. Trong Hội nghị tuyển sinh 2023, các trường đã thống nhất căn cứ vào mức lệ phí chung (20.000 đồng/nguyện vọng) để đề ra mức lệ phí (nếu có) cho các phương thức xét tuyển riêng (nếu có). Lệ phí trường thu chỉ tính đến việc mà trường xử lý thêm trong quá trình xét tuyển sớm, không bao gồm phần xử lý, sắp xếp trên hệ thống chung. Do vậy, 2 lệ phí tách biệt, không phải thu 2 lần, mà là 2 công việc hoàn toàn khác nhau.
Tuy nhiên, thực tế theo văn bản được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2019, trong lệ phí xét tuyển nộp về hệ thống của Bộ các trường vẫn được giữ lại 20%, thậm chí hơn. Như vậy khó có thể nói 2 lệ phí tách biệt và là 2 công việc hoàn toàn khác nhau.
NGHIÊM HUÊ
https://tienphong.vn/xet-tuyen-tuyen-sinh-dh-2023-thi-sinh-phai-nop-2-lan-phi-ton-ca-tram-ty-dong-post1559265.tpo
Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com