Chuyển ngành vì… không phù hợp
Theo TS Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, khá nhiều tân sinh viên khi làm thủ tục nhập học tại trường đã có nhu cầu xin chuyển ngành học vì cảm thấy ngành học khác thích hơn, phù hợp hơn. Nhà trường trao đổi và tư vấn để tìm hiểu nguyên nhân xin chuyển ngành, sau đó sẽ giải quyết cho các em. Cùng với đó, một số tân sinh viên xin chuyển trường, nhưng số lượng không nhiều. “Điều kiện để chuyển ngành là ngành học phải còn chỉ tiêu, cùng tổ hợp xét tuyển và điểm trúng tuyển phải bằng hoặc cao hơn mức điểm trúng tuyển của ngành học muốn chuyển sang, đồng thời phải còn trong thời gian được phép chuyển ngành”, TS Võ Văn Tuấn thông tin.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, cho biết, việc sinh viên xin chuyển ngành chiếm khoảng 5% (chỉ tiêu hàng năm khoảng 7.000-8.000). Việc này xuất hiện sau khi kết thúc năm học thứ nhất, và thường xin chuyển từ khối ngành kỹ thuật, công nghệ sang khối ngành kinh tế. Việc chuyển trường có 2 tình huống: sinh viên trường khác chuyển đến trường hàng năm khoảng 200 trường hợp, sinh viên của trường xin chuyển sang trường khác (thường là về các trường địa phương) khoảng 20 trường hợp.
Còn tại Trường ĐH Công thương TPHCM, năm nào cũng có vài chục trường hợp sinh viên xin chuyển ngành học. Nguyên nhân được ghi nhận chủ yếu là sau khi theo học, các em cảm thấy không phù hợp với ngành đã chọn và có nhu cầu xin chuyển sang ngành khác phù hợp hơn. Nhà trường luôn linh động giải quyết cho sinh viên nhưng phải theo đúng quy định: ngành mới sinh viên muốn chuyển sang phải có cùng tổ hợp xét tuyển và điểm đầu vào (trúng tuyển) ít nhất phải bằng hoặc cao hơn ngành học muốn chuyển. Ngoài ra, việc xét chuyển sang ngành khác với sinh viên mới trúng tuyển phải căn cứ vào ngành sinh viên muốn chuyển sang có còn chỉ tiêu hay không.
Trong khi đó, nhiều trường ĐH khác cũng cho biết, tình trạng xin chuyển ngành năm nào cũng xảy ra và thường chiếm khoảng 2%-5% trên tổng chỉ tiêu. Đây là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của sinh viên và các trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên có nhu cầu.
Không làm khó sinh viên
Tại Điều 16 của Quy chế đào tạo trình độ đại học (Thông tư 08/2021), Bộ GD-ĐT quy định, sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, một ngành đào tạo khác khi có đủ các điều kiện sau: không đang là sinh viên năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa; không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định; sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo của trụ sở chính (hoặc phân hiệu) trong cùng khóa tuyển sinh; cơ sở đào tạo, trụ sở chính (hoặc phân hiệu) phải có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT. Nếu sinh viên đáp ứng các điều kiện này thì các trường đều giải quyết.
Trong khi đó, sinh viên xin chuyển trường (chuyển cơ sở đào tạo) phải đảm bảo các điều kiện: không đang là sinh viên năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa; đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo cùng khóa tuyển sinh tại trường muốn chuyển đến; nơi chuyển đến có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT; được sự đồng ý của hiệu trưởng cơ sở đào tạo xin chuyển đi và cơ sở đào tạo xin chuyển đến. Theo nhiều trường ĐH, chuyển trường là việc sinh viên không mong muốn và xuất phát từ lý do bất khả kháng (do điều kiện kinh tế của gia đình, do chuyển nơi ở…) nên các trường thường linh động giải quyết ngay cho sinh viên. Các trường giải quyết trong vòng 1 tuần hoặc lâu nhất là 2 tuần, nhằm tạo thuận lợi cho sinh viên.
Theo đại diện Ban Công tác sinh viên (ĐH Quốc gia TPHCM), việc chuyển ngành, chuyển trường là nhu cầu thực tế của người học và thông thường thì các trường sẽ giải quyết cho người học. Tuy nhiên, việc hàng năm có từ 3%-5% số sinh viên (vừa nhập học hoặc kết thúc năm nhất) chuyển ngành học đặt ra cho những người làm công tác tư vấn, hướng nghiệp vấn đề cần quan tâm. Đây chính là tình trạng chọn ngành học theo đám đông, chưa thực sự hiểu biết về ngành đó hoặc cảm thấy ngành học quá nặng... Khi giải quyết nhu cầu này, ngoài việc tạo thuận lợi cho người học, các trường nên tìm hiểu, ghi nhận nguyên nhân; nên trao đổi, định hướng nghề nghiệp một lần nữa cho người học để có định hướng rõ ràng. Đồng thời, các trường nên có hướng mở để sinh viên chọn học song ngành, giúp các em có thêm kiến thức và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
THANH HÙNG
https://www.sggp.org.vn/vua-nhap-hoc-da-xin-chuyen-nganh-post708593.html
Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com
Cảm ơn bạn đã hoàn thành form. Hãy nhấn vào liên kết dưới đây để tải tệp:
Tải xuống tệp