Ngành Chính trị học

Cập nhật: 29/07/2023 icon
Ngành đào tạo:           CHÍNH TRỊ HỌC (Political Science)

Ngành Chính trị học

Trình độ đào tạo:        Đại học

Thời gian đào tạo :      4 năm

 

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Mục tiêu tổng quát

Đào tạo cử nhân Chính trị học có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt; có thể đảm đương các công việc sau :

- Giảng dạy, nghiên cứu Chính trị học tại các trường Đảng khu vực, trường Chính trị tỉnh, thành phố, trung tâm giáo dục chính trị ở các địa phương, các trường đại học, cao đẳng và các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.

- Làm việc trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị và trong các tổ chức kinh tế - xã hội trong cả nước.

Mục tiêu cụ thể

a. Về trình độ lý luận chính trị và tri thức khoa học

- Được đào tạo cơ bản, hệ thống về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Có kiến thức học vấn tổng hợp, nhất là kiến thức về các khoa học xã hội và nhân văn, về thế giới hiện đại và đất nước, con người Việt Nam trên các phương diện: lịch sử, truyền thống, tâm lý, văn hoá...; hiểu biết sâu về các lĩnh vực khoa học chính trị: Lịch sử tư tưởng chính trị; Quyền lực chính trị, Thể chế chính trị thế giới, Quan hệ chính trị quốc tế, Xã hội học chính trị và Phương pháp tiếp cận và xử lý tình huống chính trị, Quản lý xã hội, Tâm lý học trong công tác quản lý - lãnh đạo...

- Có năng lực ngoại ngữ và tin học ở trình độ tối thiểu.

b. Về phẩm chất chính trị và đạo đức

- Có lập trường giai cấp vững vàng, có lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa và bản lĩnh chính trị, tin tưởng và tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, có năng lực bảo vệ có hiệu quả Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.

- Có đạo đức, tác phong của người cán bộ cách mạng: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tình cảm cách mạng trong sáng, có tinh thần trách nhiệm cao, say mê nghề nghiệp và quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân.

c. Hệ thống kỹ năng nghề nghiệp cơ bản

- Có trình độ, năng lực vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực công tác được giao.

- Có trình độ năng lực nhất định về tham mưu - lãnh đạo - quản lý, năng lực tổ chức thực tiễn, nhất là khả năng tổ chức, tập hợp, lôi cuốn quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Có khả năng nghiên cứu khoa học, có thể tham gia và chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học, có năng lực sư phạm, kỹ năng giảng dạy Chính trị học và khả năng học lên các trình độ cao hơn.

d. Có đủ sức khoẻ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc

Kiến thức giáo dục đại cương

1

Triết học Mác – Lênin

9

Các nguyên lý kinh tế

2

Kinh tế chính trị Mác – Lênin

10

Tiếng Việt thực hành

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

11

Văn học Việt Nam

4

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

12

Ngoại ngữ

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

13

Tin học đại cương

6

Xã hội học đại cương

14

Giáo dục Thể chất

7

Giáo dục học đại cương

15

Giáo dục Quốc phòng

8

Xây dựng Đảng

 

 

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

a. Kiến thức cơ sở của ngành

1

Lịch sử tư tưởng chính trị

3

Quan hệ chính trị quốc tế

2

Chính trị học đại cương

4

Lý luận nhà nước và pháp luật

b. Kiến thức ngành

1

Đại cương chính trị học so sánh

6

Chính sách công

2

Thể chế chính trị thế giới đương đại

7

Khoa học quản lý

3

Quyền lực chính trị

8

Phương pháp tiếp cận và xử lý tình huống chính trị

4

Chính trị học phát triển

9

Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy chính trị học

5

Chính trị Việt Nam thời kỳ quá độ lên CNXH

 

 

 

Nội dung một số học phần bắt buộc

Xã hội học đại cương

Bao gồm 3 nội dung chính: Nhập môn xã hội học, Phương pháp nghiên cứu xã hội học và Chuyên ngành xã hội học.

- Nhập môn Xã hội học: Trình bày những kiến thức cơ bản về xã hội học: đối tượng nghiên cứu; chức năng; nhiệm vụ của xã hội học; phân biệt xã hội học với một số môn học khoa học xã hội khác; cơ cấu môn học xã hội học, những khái niệm, phạm trù cơ bản của môn học xã hội học; những kiến thức cơ bản về sự hình thành, phát triển của xã hội học và một số quan điểm của các nhà xã hội học trong lịch sử.

- Phương pháp nghiên cứu xã hội học: Các phương pháp nghiên cứu của xã hội học; Cơ sở của việc chuyển những thông tin thực nghiệm thành thông tin lý thuyết; Các giai đoạn tiến hành điều tra xã hội học thực nghiệm.

- Các chuyên ngành xã hội học: Giới thiệu sâu vào các chuyên ngành của xã hội học như: xã hội học đô thị, xã hội học nông thôn, xã hội học gia đình, xã hội học về truyền thông đại chúng và dư luận xã hội.

Giáo dục học đại cương

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về lý luận giáo dục. Trên cơ sở đó giúp sinh viên có cách nhìn đúng về đường lối phát triển giáo dục của Đảng, biết vận dụng vào hoạt động nghề nghiệp trong tương lai.

Học phần bao gồm các nội dung sau:

Lý luận chung về giáo dục học (Giáo dục là một hiện tượng xã hội; Đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu của giáo dục học; Giáo dục và sự phát triển nhân cách); Đường lối giáo dục - đào tạo ở Việt Nam (Vị trí, nhiệm vụ của giáo dục đào tạo; Mục đích của giáo dục đào tạo; Nguyên lý giáo dục); Quá trình giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức (Quá trình giáo dục; Nguyên tắc giáo dục; Nội dung giáo dục; Phương pháp giáo dục).

Xây dựng Đảng

Trình bày các nguyên lý, quan điểm, nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta về Đảng và xây dựng Đảng cộng sản, giúp cho sinh viên nhận thức đúng đắn, nắm vững và vận dụng sáng tạo các nguyên lý, quan điểm, nội dung vào học tập, nghiên cứu, tổng kết công tác xây dựng Đảng hiện nay. Bao gồm các nội dung: Học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và xây dựng Đảng; Xây dựng Đảng về chính trị; Xây dựng Đảng về tư tưởng; Xây dựng Đảng về tổ chức; Đảng lãnh đạo các lĩnh vực đời sống xã hội; Đảng lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội.

Các nguyên lý kinh tế

Nghiên cứu những nguyên lý cơ bản của kinh tế học vi mô và vĩ mô nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức kinh tế học cơ bản nhất để phân tích các hoạt động kinh tế đang diễn ra trong nền kinh tế. Đồng thời những kiến thức này còn là cơ sở lý luận và phương pháp luận cho việc tìm hiểu đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa của Đảng ta.

Học phần bao gồm các nội dung sau: Giới thiệu chung về kinh tế học; Phân tích cung - cầu; Phân tích hành vi của người tiêu dùng; Lý thuyết về hành vi của doanh nghiệp; Thị trường và cấu trúc thị trường; Tổng sản phẩm và thu nhập quốc dân; Tổng cầu - chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ; Tổng cung và chu kỳ kinh doanh; Thất nghiệp và lạm phát; Kinh tế vĩ mô của nền kinh tế mở.

Tiếng Việt thực hành

Trình bày các thao tác cơ bản trong việc tiếp nhận và tạo lập văn bản, giới thiệu các kỹ năng đặt câu và sử dụng từ ngữ sao cho chuẩn xác, phù hợp đạt hiệu quả cao trong các tình huống điển hình.

Học phần bao gồm các nội dung: khái quát chung về văn bản, thực hành phân tích văn bản, tạo lập văn bản, đặt câu trong văn bản, dùng từ trong văn bản.

Văn học Việt Nam

Giúp sinh viên nghiên cứu, khám phá đời sống tinh thần của con người (tâm lý, tư tưởng, đạo đức, tình cảm...), phục vụ hữu hiệu cho việc rèn luyện nhân cách con người trong cuộc sống nói chung. Học phần còn giới thiệu những nội dung cơ bản và cốt lõi nhất trong quá trình vận động cuả văn học Việt Nam từ xưa tới nay. Những nội dung đó mang tính khái quát, tổng hợp nhằm giúp sinh viên nhận thức sâu sắc thế nào là lòng yêu nước và tính nhân văn của người Việt Nam (thông qua những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, đã được xã hội thẩm định), đồng thời hiểu rõ hơn vai trò của văn học đối với công tác tuyên truyền, giáo dục trong tình hình hiện nay.

Học phần bao gồm các nội dung sau: Nhập môn Văn học Việt Nam; Chủ nghĩa yêu nước trong văn học Việt Nam; Chủ nghĩa nhân văn trong văn học Việt Nam; Những bước tiến của văn học Việt Nam từ sau Đại hội Đảng khoá VI; Văn học với nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục trong tình hình hiện nay ở Việt Nam.

Ngoại ngữ

Đây là nội dung ngoại ngữ cơ bản nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về ngữ pháp, vốn từ vựng, các kỹ năng sử dụng trong giao tiếp thông thường. Yêu cầu đạt trình độ trung cấp (Intermediate level) đối với những sinh viên đã hoàn tất chương trình ngoại ngữ 7 năm của giáo dục phổ thông.

Tin học đại cương

Trang bị cho sinh viên những khái niệm cơ bản về xử lý thông tin và máy tính điện tử. Đồng thời cũng giúp sinh viên nắm vững các thao tác truy cập Internet, các kỹ năng sử dụng hệ điều hành để thao tác trên máy tính điện tử, khai thác một số phần mềm ứng dụng, soạn thảo và lưu trữ các văn bản phục vụ công tác văn phòng, sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu để tính toán khoa học và giải quyết các vấn đề chuyên môn.

Lịch sử tư tưởng chính trị

Giúp sinh viên nghiên cứu về quá trình nảy sinh, hình thành, phát triển và thay thế lẫn nhau của những tưtưởng, quan điểm chính trị tiêu biểu qua các thời đại: Cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại ở cả phương Đông, phương Tây và Việt Nam. Đồng thời với việc khẳng định những giá trị của học thuyết chính trị Mác-Lênin, học phần làm rõ bước chuyển cách mạng trong lịch sử phát triển của những tư tưởng chính trị thế giới.

Học phần bao gồm các nội dung sau: Nhập môn Lịch sử tư tưởng chính trị (khái niệm, đối tượng, phương pháp, ý nghĩa nghiên cứu); Lịch sử tư tưởng chính trị thế giới trước Chủ nghĩa Mác - Lênin (tư tưởng chính trị Trung Quốc cổ - trung đại, cận - hiện đại; tư tưởng chính trị ấn Độ cổ - trung đại; tư tưởng chính trị Nhật Bản cận - hiện đại; tư tưởng chính trị Hy Lạp - La Mã cổ đại; tư tưởng chính trị phương Tây trung - cận đại); Học thuyết chính trị Mác - Lênin (Học thuyết chính trị của Mác và Ăngghen; Lênin bảo vệ và phát triển học thuyết chính trị của Mác và Ăngghen); Tư tưởng chính trị Việt Nam (Lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính trị).

Chính trị học đại cương

Giới thiệu những vấn đề lý luận chung nhất của lĩnh vực chính trị: khái niệm chính trị, chính trị học; đối tượng, phương pháp nghiên cứu chính trị học; khái lược lịch sử tư tưởng chính trị; các phạm trù: quyền lực chính trị, chủ thể quyền lực chính trị, cơ chế thực thi quyền lực chính trị; quan hệ chính trị với kinh tế; văn hoá chính trị; xu hướng chính trị của thế giới và định hướng XHCN ở Việt Nam.

Quan hệ chính trị quốc tế

Giới thiệu tổng quát về nền chính trị quốc tế được tạo bởi những hoạt động của các chủ thể chính trị quốc tế và các quan hệ chính trị quốc tế. Đồng thời học phần cũng làm rõ đường lối, chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước ta trong quan hệ quốc tế hiện nay trên tinh thần Việt Nam muốn làm bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước vì hoà bình và phát triển.

Học phần bao gồm các nội dung sau: Nhập môn Quan hệ chính trị quốc tế; Cục diện chính trị quốc tế; Nhà nước quốc gia - dân tộc với tư cách là chủ thể chính trị quốc tế; Các tổ chức quốc tế và vai trò của nó đối với nền chính trị quốc tế; Các yếu tố tác động đến quan hệ chính trị quốc tế; Cơ sở hình thành và sự vận hành các chính sách đối ngoại; Đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ quốc tế hiện nay.

Lý luận nhà nước và pháp luật

Giới thiệu những vấn đề lý luận chung nhất về nhà nước và pháp luật: Đối tượng, phương pháp nghiên cứu của lý luận nhà nước và pháp luật; Nguồn gốc, bản chất của nhà nước, pháp luật; Dấu hiệu nhà nước; Các kiểu và hình thức nhà nước pháp luật; Nhà nước và pháp luật Xã hội chủ nghĩa; Nhà nước và pháp luật nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đại cương chính trị học so sánh

Đi sâu so sánh những nét tương đồng và khác biệt giữa các loại hình chính trị, các dạng hoạt động chính trị, các quan hệ chính trị và các quá trình chính trị tiêu biểu như: Chính trị phương Đông và chính trị phương Tây, chính trị của các thời đại lịch sử, hệ thống chính trị TBCN và hệ thống chính trị XHCN; dân chủ TBCN và dân chủ XHCN; hệ tư tưởng vô sản và hệ tư tưởng tư sản.

Thể chế chính trị thế giới đương đại

Đi sâu nghiên cứu một số loại hình thể chế chính trị tiêu biểu trên thế giới đương đại: Loại hình thể chế quân chủ đại nghị (Vương quốc Anh, Nhật Bản, Liên bang ôxtrâylia); Loại hình thể chế cộng hoà tổng thống (Thể chế Mỹ và Liên bang Nga); Loại hình thể chế cộng hoà đại nghị (thể chế Cộng hoà liên bang Đức); Loại hình thể chế cộng hoà lưỡng tính (Thể chế Cộng hoà Pháp); Loại hình thể chế Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa (Thể chế Trung Quốc); Loại hình thể chế chính trị các nước ASEAN, các nước có quan hệ gần gũi với Việt Nam.

Với mỗi loại hình thể chế chính trị, trên cơ sở làm rõ lịch sử hình thành, những đặc trưng cơ bản, đưa ra những đánh giá, nhận xét để khẳng định rõ tính giai cấp, tính định hướng XHCN trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu.

Quyền lực chính trị

Nghiên cứu những vấn đề cơ bản: Quyền lực và quyền lực chính trị; dân chủ và hệ thống chính trị; các chủ thể quyền lực chính trị (con người chính trị, đảng chính trị, nhà nước pháp quyền và các tổ chức chính trị - xã hội khác); chính trị với nhân quyền; giao tiếp chính trị và tâm lý học chính trị; văn hoá chính trị và vai trò của nó trong hoạt động chính trị; công nghệ chính trị... Trên cơ sở đó làm sáng tỏ những qui luật, tính qui luật giành, giữ, tổ chức, thực thi và kiểm soát quyền lực chính trị, tập trung ở quyền lực nhà nước.

Chính trị học phát triển

Giới thiệu những lý thuyết, mô hình phát triển, bản chất của sự phát triển, vai trò của những nhân tố chính trị đối với phát triển, dự báo chính trị của sự phát triển và bước đầu hình thành lý luận phát triển, chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam.

Chính trị Việt Nam thời kỳ quá độ lên CNXH

Chính trị Việt Nam thời kỳ quá độ lên CNXH là sự định hướng XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Học phần bao gồm các nội dung cơ bản sau: nền tảng tư tưởng của chính trị Việt Nam; quá trình hình thành và phát triển thể chế chính trị Việt Nam hiện đại; hệ thống chính trị và nền dân chủ XHCN; quyền lực của nhân dân lao động và những bảo đảm định hướng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Chính sách công

Nghiên cứu và làm sáng tỏ toàn bộ quá trình hoạch định, thực thi chính sách của nhà nước, bao gồm 4 công đoạn: Đặt chương trình nghị sự, ra chính sách, thực thi chính sách, đánh giá việc thực thi chính sách. Đồng thời góp phần làm sáng tỏ qui trình hoạch định chính sách công của Nhà nước Việt Nam và cuối cùng là hướng tới những giải pháphoàn thiện khoa học chính sách.

Học phần bao gồm các nội dung sau: Nhập môn Chính sách công; Qui trình và hệ thống chính sách công; Chính sách công - phương pháp tiếp cận và phân tích; Hoàn thiện chính sách công; Chính sách công Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Khoa học quản lý

Đi sâu nghiên cứu những qui luật, nguyên tắc, chức năng, phương pháp quản lý, chủ thể, khách thể và hệ thống tổ chức quản lý, những hoạt động cơ bản của lao động quản lý cùng các công nghệ quản lý nhằm đạt mục tiêu với hiệu quả cao nhất.

Học phần bao gồm các nội dung sau: Nhập môn Khoa học quản lý; Nguyên tắc và phương pháp quản lý; Chức năng và cơ cấu quản lý; Công nghệ và kỹ thuật quản lý; Tổ chức khoa học lao động - lao động quản lý - người quản lý.

Phương pháp tiếp cận và xử lý tình huống chính trị

Làm sáng tỏ những vấn đề về phương pháp tiếp cận, nguyên tắc, yêu cầu, nhiệm vụ và quy trình xử lý tình huống chính trị: xung đột chính trị, điểm nóng chính trị - xã hội, tình huống chính trị trong bộ máy cầm quyền có nạn quan liêu, tham nhũng, cũng như khi chuyển giao quyền lực. Đồng thời, học phần cũng nghiên cứu những kỹ năng, thủ thuật giải quyết những tình huống chính trị tiêu biểu.

Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học

Đi sâu nghiên cứu phương pháp dạy - học tích cực lấy người học làm trung tâm để áp dụng vào việc dạy- học môn Chính trị học: phương pháp lập kế hoạch và thực hiện bài giảng chính trị học; một số nguyên tắc soạn và thực hiện bài giảng Chính trị học. Đồng thời trang bị cho sinh viên kỹ năng giảng dạy từng chuyên đề Chính trị học, tiến hành xêmina theo chủ đề và phương pháp nghiên cứu, tiến hành một đề tài khoa học liên quan đến lĩnh vực chính trị.

Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com