Ngành Bảo vệ thực vật

Cập nhật: 29/07/2023 icon
Ngành đào tạo:           BẢO VỆ THỰC VẬT (Plant Protection)

Ngành Bảo vệ thực vật

Trình độ đào tạo:        Đại học

Thời gian đào tạo:       4 năm

 

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Mục tiêu chung

Đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học có lập trường chính trị-tư tưởng vững vàng, có kiến thức và kỹ năng về Bảo vệ thực vật; có thái độ lao động nghiêm túc và có đạo đức nghề nghiệp, có sức khoẻ; có khả năng hợp tác và quản lý nguồn lực; khả năng thích ứng với công việc đa dạng ở các cơ quan khoa học, quản lý sản xuất, doanh nghiệp hoặc tự tạo lập công việc sản xuất và dịch vụ Bảo vệ thực vật.

Mục tiêu cụ thể

Người học có hệ thống kiến thức, kỹ năng phát hiện và năng lực nghiên cứu, quản lý, ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây hại thực vật để bảo vệ tài nguyên mà trọng tâm là cây trồng (cả trước và sau thu hoạch) đạt hiệu quả kinh tế, bảo đảm an toàn thực phẩm, giữ gìn sự đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới bền vững của Việt Nam.

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần  bắt buộc

Kiến thức giáo dục đại cương     

7

Hoá học

1

Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin

8

Hoá phân tích    

2

Tư tưởng Hồ Chí Minh

9

Sinh học đại cương

3

Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam

10

Sinh học phân tử

4

Giáo dục thể chất

11

Toán cao cấp    

5

Giáo dục quốc phòng

12

Xác suất - Thống kê    

6

Ngoại ngữ

13

Tin học đại cương

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

Kiến thức cơ sở ngành           

1

Hoá sinh đại cương

4

Sinh lý thực vật

2

Côn trùng học đại cương  

5

Động vật hại nông nghiệp 

3

Vi sinh vật đại cương

6

Bệnh cây đại c­ương   

Kiến thức ngành         

1

Côn trùng chuyên khoa   

4

Dịch tễ học bảo vệ thực vật

2

Bệnh cây chuyên khoa   

5

Kiểm dịch thực vật và dịch hại nông sản sau thu hoạch

3

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật    

6

Cỏ dại

Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức chuyên ngành)

Hoá sinh đại cương                

Nội dung: môn học tập trung vào thành phần hoá học của cơ thể sống: protein  nucleic axit, carbonhydrat, lipid, vitamin, enzym, hormon của động thực vật; quá trình trao đổi chất và năng lượng sinh học.

Côn trùng học đại cương       

Nội dung: tập trung vào đặc điểm hình thái, hệ thống phân loại, cấu tạo và sự hoạt động của các bộ máy bên trong, các đặc tính sinh sản, sinh trưởng phát triển và tập tính sinh sống của côn trùng; biến động số lượng của côn trùng trong tự nhiên trong mối quan hệ với các yếu tố vô sinh, hữu sinh, các hoạt động kinh tế của con người làm cơ sở cho việc phòng chống các loài có hại đồng thời bảo vệ và khai thác những loài có ích trong nông nghiệp và trong các hệ sinh thái tự nhiên.

Vi sinh vật đại cương 

Nội dung: tập trung vào những khái niệm cơ bản về vi sinh vật, cơ chế hoạt động và vai trò của vi sinh vật trong các hoạt động sống; đặc điểm hình thái, cấu tạo tế bào và hoạt động sống của vi sinh vật, sự khác nhau giữa cơ thể vi sinh vật và cơ thể sống bậc cao về cấu tạo cũng như hoạt động sống; một số nhóm vi sinh vật chủ yếu, cơ chế hoạt động của chúng và những ứng dụng chính trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp.

Sinh lý thực vật          

Nội dung: tập trung vào các khái niệm cơ bản và quá trình sinh lý tế bào và phân tử thực vật; dinh dưỡng khoáng, trao đổi nước, quang hợp, hô hấp và điều hoà hoóc môn; quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trong mối quan hệ với môi trường.  

Động vật hại nông nghiệp     

Nội dung: tập trung vào nhóm động vật gây hại trong sản xuất nông nghiệp; vị trí phân loại, phân bố, tập tính sinh sống, gây hại, quy luật phát sinh phát triển và biện pháp phòng chống đối với một số nhóm động vật gây hại nông nghiệp ngoài côn trùng.  

Bệnh cây đại cương   

Nội dung: tập trung vào những nguyên lý cơ bản, quan trọng trong lĩnh vực bệnh cây bao gồm: triệu chứng bệnh, các nhóm tác nhân gây bệnh, cách giám định bệnh cây, sự phân bố, cách lây lan, xâm nhập, lưu tồn và gây hại của mầm bệnh, sinh lý của cây mắc bệnh, phản ứng của cây chống lại với bệnh và các biện pháp phòng, trị và quản lý tổng hợp đối với bệnh cây; giám định bệnh cây trong điều kiện ngoài đồng và trong phòng thí nghiệm.

Côn trùng chuyên khoa         

Nội dung: trình bày những đặc điểm gây hại, mức độ gây hại, phân bố, hình thái, sinh vật học sinh thái học của những loài sâu hại chủ yếu trên cây trồng nông nghiệp; phương hưóng, nguyên tắc và biện pháp phòng chống sâu hại cây trồng; biện pháp phòng chống hợp lý đạt hiệu quả kinh tế và môi trường đối với côn trùng hại nói chung và từng loài sâu hại quan trọng nói riêng.  

Bệnh cây chuyên khoa          

Nội dung: tập trung vào các loại bệnh cây, nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng, tác hại, qui luật phát sinh phát triển và biện pháp phòng trừ đối với từng bệnh hại do virus, viroit, phytoplasma, vi khuẩn, nấm, tuyến trùng  và các nguyên nhân gây bệnh khác kể cả bệnh do môi trường gây nên.  

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật         

Nội dung: tập trung vào độc chất học nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật; nguyên lý và phương pháp quản lý, sử dụng và bảo đảm an toàn cho người, động vật và môi trường khi dùng thuốc bảo vệ thực vật; dư lượng hoá chất độc trong nông sản và biện pháp khắc phục; kỹ thuật sử dụng hợp lý các loại thuốc trừ sâu và động vật hại nông nghiệp (nhện, chuột, tuyến trùng, ốc sên), thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ và thuốc khử trùng kho tàng; phương pháp nhận biết và sơ cứu các trường hợp ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật.  

Dịch tễ học bảo vệ thực vật              

Nội dung: tập trung nghiên cứu các yếu tố dẫn đến sự hình thành dịch sâu bệnh hại cây trồng, tần suất xuất hiện, cách thức lan rộng, diễn thế của dịch và các biện pháp ngăn ngừa; các yếu tố hình thành dịch như thời tiết, cây trồng, thiên địch; tần suất xuất hiện dịch và nguyên nhân; đặc điểm phát triển của dịch, dự tính dự báo và kiểm soát dịch.

Kiểm dịch thực vật và dịch hại nông sản sau thu hoạch

Nội dung: tập trung vào kiểm dịch thực vật và dịch hại nông sản sau thu hoạch, trong đó nhấn mạnh tới phương pháp phát hiện, giám định các đối tượng kiểm dịch và dịch hại nông sản sau thu hoạch, các đặc điểm sinh vật học, sinh thái học, tình hình diễn biến gây hại của chúng và biện pháp ngăn chặn sự lây lan và phòng trừ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dịch hại nông sản sau thu hoạch; bồi dưỡng kỹ năng phát hiện, nhận biết các đối tượng dịch hại, đồng thời cung cấp hiểu biết, thao tác nghiệp vụ về hành chính và pháp luật trong kiểm dịch thực vật.

Cỏ dại 

Nội dung: chương trình tập trung vào các phương pháp canh tác truyền thống ở vùng nhiệt đới ẩm, canh tác hữu cơ và canh tác tự nhiên gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ tài nguyên môi trường; nhận diện cỏ dại, đánh giá tác hại và các biện pháp phòng chống cỏ dại.

Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com