HS “khát” thông tin hướng nghiệp
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2010, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi CĐ-ĐH, trong khi đó chỉ có hơn 500 ngàn chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường CĐ-ĐH hệ chính quy. Điều đáng nói là nhiều thí sinh thi rớt CĐ-ĐH lại không muốn theo học các trường trung cấp mà đi thẳng ra thị trường lao động không qua đào tạo. Mặt khác theo nhận định của nhiều nhà tuyển dụng hiện nay số lượng SV ra trường đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu công việc của doanh nghiệp chỉ khoảng 20%, số khác hoặc thiếu các kỹ năng làm việc hoặc chuyên môn thấp. Hậu quả của vấn đề trên là SV vào CĐ-ĐH mà chưa định hình được nghề nghiệp cụ thể, sau 3-4 năm học “lây lất” ở giảng đường, ra trường phải đi làm trái nghề.
Tại Ngày hội Việc làm - Hướng nghiệp năm 2010 do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức đã thực hiện cuộc khảo sát về nhu cầu hướng nghiệp của 250 HS THPT và kết quả cho thấy, có đến 80% HS cho biết rất thiếu thông tin trước khi vào kỳ tuyển sinh CĐ-ĐH. Các em HS cần được tư vấn hướng nghiệp, cung cấp những thông tin cần thiết để có cơ sở đưa ra các quyết định cho bản thân trong lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp phổ thông. Đặc biệt là các HS lớp 12 số này lên đến 98%.
Cũng tại cuộc khảo sát trên đa số HS (86%) cho rằng phải cố gắng học giỏi các môn học để chuẩn bị cho tương lai của mình. Điều này có thể hiểu HS-SV cho rằng cần tập trung học tập cao độ là kế hoạch tốt cho tương lai mà không chú ý đến kỹ năng sống. Các kỹ năng như có cá tính, có khả năng lãnh đạo, biết làm việc độc lập, biết tham gia các hoạt động xã hội, có niềm đam mê một lĩnh vực nào đó và có nhiều năng khiếu khác nhau không được HS-SV quan tâm đến. Trong khi đó, xu hướng của chương trình dạy học hiện đại từ lâu đã coi trọng kỹ năng, năng lực thực tiễn hơn là kiến thức.
Thực tế hiện nay ở trường phổ thông, CĐ, ĐH đã có chương trình tư vấn, giáo dục hướng nghiệp, tuy nhiên vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa chuyên nghiệp. Đội ngũ làm công tác định hướng nghề nghiệp cho HS thường là các giáo viên bộ môn kỹ thuật, vốn còn thiếu về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng. Trong khi chưa có sự giúp đỡ một cách tích cực từ nhà trường, trách nhiệm lại được đặt lên vai phụ huynh và HS. Chính vì vậy, nhiều HS gặp khó khăn trong việc ra quyết định cho nghề nghiệp tương lai.
Cần quan tâm hướng nghiệp
Hiện nay, việc hướng nghiệp đã có nhiều tổ chức xã hội quan tâm, thực tế là có nhiều chương trình hướng nghiệp được tổ chức như: ngày hội hướng nghiệp, báo cáo chuyên đề, tham quan trường CĐ-ĐH của các tổ chức xã hội, các trường, cơ quan truyền thông… Tuy nhiên, những chương trình như vậy vẫn mang nặng tính hình thức. Các trường CĐ-ĐH phần lớn làm tư vấn hướng nghiệp chỉ đơn giản là xuống các trường phổ thông quảng cáo về đơn vị mình mà chưa có những bài trắc nghiệm về sở trường, sở đoản, năng lực, tố chất… của từng HS.
HS thì “khát” thông tin, đặc biệt là các HS ở ngoại thành, vùng sâu, vùng xa việc được tư vấn chọn ngành nghề, định hướng nghề nghiệp theo năng lực càng “đói” thông tin hơn. Các bậc phụ huynh thì phó mặc cho nhà trường, nhà trường thì mỗi tháng chỉ có 1-2 tiết dạy hướng nghiệp. Một số HS có ý thức tự tư vấn cho mình bằng cách tự tìm đọc tài liệu thì vấp phải thực tế là chưa có nhiều tài liệu sách vở nghiên cứu, giới thiệu về trường lớp, ngành nghề đào tạo cho các em. Một vài tài liệu chỉ mới qua loa, đại khái chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu cần thiết của HS.
Việc hướng nghiệp cho HS phổ thông không được quan tâm đúng mức, đã phần nào làm ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng dạy và học trong các trường CĐ-ĐH. Nhiều SV đã phải lãng phí thời gian và tiền của trong suốt 3-4 năm theo đuổi nguyện vọng ngoài ý muốn. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng ban hành chính sách hướng nghiệp, tư vấn học đường trong các nhà trường, thì hơn lúc nào hết, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các phương tiện thông tin đại chúng… phải sớm có giải pháp khắc phục tình trạng cả xã hội đang “đói thông tin” về hướng nghiệp. Điều này góp phần giúp các em HS tự tin, mạnh dạn chọn trường thi, chọn ngành nghề theo học cho phù hợp với điều kiện, năng lực và sở thích cá nhân để mang lại hiệu quả cao nhất. Các HS chọn đúng nghề mình thích, khi ra trường các em sẽ say mê lao động, hứng thú với lĩnh vực mà mình được học, sẽ dễ thành công hơn trong sự nghiệp. Còn thiếu hiểu biết về các loại ngành nghề, về năng lực và sự hứng thú nghề nghiệp của bản thân sẽ dẫn đến những lựa chọn sai lầm và điều đó sẽ gây lãng phí không chỉ cho bản thân các em mà còn cho cả xã hội khi phải bỏ ra khoảng thời gian 3-4 năm để học. Thậm chí các HS, SV này có thể sẽ rời bỏ nghề đó sau khi tốt nghiệp.
Theo các nhà chuyên môn thì giải pháp nhằm trang bị cho HS-SV những kỹ năng cần thiết để hoạch định tương lai như: Các trường dành thời gian nhiều hơn cho việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa; tập huấn cán bộ nòng cốt cho các câu lạc bộ kỹ năng của trường. Công tác tư vấn trong trường học cần được cải tiến và nâng cao chất lượng; lập trang web làm diễn đàn trên mạng cho HS-SV trao đổi ý kiến và được các chuyên gia tư vấn về việc chuẩn bị vào đời...
Dung An (giaoduc.edu.vn – 15/12/2010)
Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com
Cảm ơn bạn đã hoàn thành form. Hãy nhấn vào liên kết dưới đây để tải tệp:
Tải xuống tệp