Giảm môn thi, lợi cho thí sinh

Cập nhật: 01/12/2023 icon
Đại diện nhiều trường ĐH cho biết khi phương án thi tốt nghiệp THPT mới được áp dụng, các trường sẽ điều chỉnh phương án xét tuyển phù hợp để lựa chọn thí sinh.

Giảm môn thi, lợi cho thí sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) đã quyết định phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trong đó có 2 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn thi do thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ), giảm 2 môn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện tại.

So với các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm 2 môn (từ 6 xuống 4), đồng nghĩa với việc ghép tổ hợp môn để xét tuyển ĐH cũng giảm. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TP HCM - cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 2 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, 2 môn còn lại do thí sinh tự chọn để phù hợp với định hướng chọn ngành, nghề của các em.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho rằng việc đơn giản hóa các môn thi không làm giảm quyền lợi của thí sinh mà còn giúp thí sinh giảm áp lực và tập trung hơn cho các môn thế mạnh. Thông thường, mỗi thí sinh sẽ tập trung vào 1-2 tổ hợp trọng tâm nên dù có xét nhiều tổ hợp nhưng hầu như các tổ hợp chính của thí sinh vẫn chiếm ưu thế. Ngoài ra, khi tham gia xét tuyển ĐH, phần lớn thí sinh đều tham gia xét tuyển theo nhiều phương thức và đều trúng tuyển, sớm có điều kiện vào các trường trước khi thi tốt nghiệp THPT.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cũng cho rằng về phía học sinh, việc thi ít môn sẽ giúp giảm bớt áp lực học tập và từ đó có thời gian tập trung vào các môn mình lựa chọn. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc các em sẽ học lệch. Đặc biệt là môn ngoại ngữ và sẽ làm giảm năng lực ngoại ngữ của người Việt Nam.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU), cho rằng vấn đề giảm các tổ hợp, chúng ta cần phân định rõ ở từng giai đoạn, khi lựa chọn môn thi và tổ hợp dùng để xét tuyển đại học. Chọn 2 môn trong 9 môn học còn lại, chúng ta có 36 cách lựa chọn khác nhau. Rõ ràng, thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp và sở thích cá nhân để thể hiện năng lực của mình một cách toàn diện hơn. Còn khi sử dụng kết quả thi THPT với 4 môn, thí sinh chỉ có tối đa 4 tổ hợp để xét tuyển, điều này là ít hơn so với 6 môn. Song việc cốt lõi vẫn là định hướng cho các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, từ đó thí sinh sẽ sớm quyết định các tổ hợp ưu tiên của mình.

Huy Lân
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giam-mon-thi-loi-cho-thi-sinh-20231130201021603.htm

Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com