Cơ hội
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, Trường Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội, nói ràng, ở Việt Nam, hiện có 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, chủ yếu ở khâu đóng gói. Nhu cầu mỗi năm tăng 10-15% và chủ yếu là kỹ sư thiết kế, kiểm thử. Dự báo từ năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm.
Nhiều cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo các ngành gần, ngành có liên quan đến lĩnh vực chip bán dẫn. Theo các chuyên gia, chip bán dẫn là một ngành công nghệ tổng hợp nhiều lĩnh vực như Hóa học, Vật liệu, Vật lí, Kĩ thuật máy tính, Điện tử viễn thông, Tự động hóa… ĐH Quốc gia TPHCM có 4 trường trực thuộc đào tạo với 4 ngành gần, 10 ngành có liên quan. Học viện Bưu chính Viễn thông đào tạo 1 ngành liên quan trực tiếp, 4 ngành liên quan. Ở 4 công đoạn thiết kế, nghiên cứu - phát triển, sản xuất đóng gói - kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng của ngành công nghệ chip bán dẫn, ĐH Bách khoa Hà Nội đều có các ngành gần, ngành liên quan. Khảo sát của ĐH này cho thấy với 400 sinh viên ngành Điện tử Viễn thông tốt nghiệp, có 10% sinh viên làm việc trong lĩnh vực vi mạch; 19% làm việc trong lĩnh vực nhúng với mức lương trung bình 13-15 triệu đồng/tháng. Điểm mạnh của ĐH Bách khoa Hà Nội là đào tạo và nghiên cứu trong mọi khâu: thiết kế, sản xuất và phát triển ứng dụng. Phòng thí nghiệm đã được đầu tư trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ sản xuất và kiểm chuẩn linh kiện bán dẫn. ĐH này cũng có thế mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực Analog IC, IC Verification, GaN HEMT, MEMS/NEMS Sensor. Chất lượng sinh viên đầu vào tốt. Đội ngũ cựu sinh viên lớn, có vị trí trong các doanh nghiệp vi mạch. Hợp tác doanh nghiệp chặt chẽ. ĐH Đà Nẵng cũng có đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo phù hợp để đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ mới này. Có thể nói, các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng đào tạo nhân lực để đón làn sóng đầu tư ngành công nghệ chip bán dẫn.
Theo Công ty Synopsys, đến năm 2030, toàn thế giới cần 900.000 nhân lực bán dẫn mới, trong đó chủ yếu là kĩ sư để hỗ trợ ngành này tăng lên 1.000 tỷ USD. Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo từ 30.000 - 50.000 kĩ sư đến năm 2030.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Bên cạnh thuận lợi, các cơ sở giáo dục ĐH chỉ ra những khó khăn khi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghệ chip bán dẫn. ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay điểm yếu là cơ sở vật chất chuyên sâu cho chip bán dẫn như phần mềm, máy móc đo kiểm, chế tạo, thử nghiệm đều thiếu. Học liệu và bài thí nghiệm chưa đồng bộ. Số lượng giảng viên/sinh viên thấp. Số lượng sinh viên đúng chuyên ngành thấp. Thách thức là nhu cầu thị trường thay đổi theo chu kỳ ngắn và nhanh. Có sự cạnh tranh giữa các đơn vị trong và ngoài ĐH. Đầu tư cho đào tạo và khoa học công nghệ nhỏ lẻ, ngắn hạn. Sinh viên chủ yếu lựa chọn các ngành phần mềm, thiếu kỹ năng ngoại ngữ. Yêu cầu cơ sở vật chất (phần mềm, máy móc) đắt tiền. Ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Synopsys Việt Nam (công ty về ngành vi mạch bán dẫn với 120 văn phòng trên thế giới, doanh thu 2022 đạt 5 tỷ USD), đưa ra một số cảnh báo như rủi ro của ngành bán dẫn là thiếu nhân lực (không đủ thợ lành nghề, tranh giành nhân tài); lạm phát toàn cầu và phản ứng của các chính phủ; sự gián đoạn chuỗi cung ứng; năng lực sản xuất chất bán dẫn dư thừa; chi phí đúc cao; tăng chi phí nghiên cứu và phát triển; hậu quả toàn cầu của cuộc chiến Nga - Ukraine; trợ cấp của chính phủ để nội địa hóa đầu tư vào chất bán dẫn; hạn chế về năng lực sản xuất chất bán dẫn; an ninh mạng…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, người học và cơ sở đào tạo sẽ ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Vì vậy, mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới, nhưng số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp. “Vòng luẩn quẩn này chính là điểm nghẽn lớn nên rất cần sự chủ động vào cuộc của các cơ sở giáo dục ĐH, kết hợp cùng các tập đoàn, doanh nghiệp tạo nguồn nhân lực đi trước một bước. Từ đó thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động và tạo vòng hồi tiếp để thu hút người học, gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục thu hút đầu tư”, ông Sơn nói. Ông nêu ra một số nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục ĐH, về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm… Cần có giải pháp để thu hút sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa học sinh phổ thông đăng ký vào học. Cần xây dựng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục ĐH, giữa các cơ sở giáo dục ĐH với doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Thời cơ đã đến nhưng cần có lộ trình bài bản
Tại Hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam được tổ chức hôm qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ngày 19/10 chắc chắn là ngày đáng nhớ trong chặng đường góp sức vào sự tạo dựng và phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam trong tương lai.
“Tôi muốn nói tới một chữ “thời”. Đây là một thời điểm, thời khắc, thời cơ. Trách nhiệm, sứ mệnh không được để lỡ nhịp này, nếu để lỡ chúng ta có tội với đất nước. Nếu làm được sẽ nâng được vị thế quốc gia, nâng được vị thế của cả hệ thống đại học”, ông Sơn nói. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT ý thức được sâu sắc trách nhiệm và sứ mệnh của ngành và xác định, đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên số 1 trong các chỉ đạo chuyên môn của phần giáo dục ĐH, trước hết trong năm 2024 và các năm sau.
Bên cạnh chữ “thời”, ông Sơn nói đến chữ “cao” bao gồm: nhu cầu đang cao; lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao, người học có thể có lương cao… nhưng phải đào tạo với tinh thần là chất lượng cao. Ông Sơn lưu ý, không nên quá lạc quan, cũng không nên đào tạo theo phong trào, cần phải có lộ trình, bài bản, chắc chắn.
Theo ông Sơn, đây là ngành mới, không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ; phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ. Cần hướng đến tư duy toàn cầu. Phải phát triển cả nghiên cứu và đào tạo, nghĩ đến tương lai có ngành công nghiệp bán dẫn riêng của Việt Nam và cung cấp nguồn nhân lực cho nước ngoài. “Hãy ao ước đến một ngày giảm xuất khẩu lao động giản đơn như bây giờ để nghĩ đến có một lớp người đi làm cho thế giới với nguồn thu nhập khác và tư thế khác. Nhưng cũng phải có lộ trình, không thể ào ào”, ông Sơn nói. Bộ GD&ĐT sẽ có hệ thống điều tiết, cả dữ liệu về người học, giáo viên, chế độ, chính sách để tiết kiệm nhất chi phí nguồn lực chuẩn bị của các cơ sở.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng, cho biết 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên tập trung phát triển của Đà Nẵng là phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Năm 2022, kinh tế số chiếm 19,7% GRDP thành phố; có gần 2.500 doanh nghiệp công nghệ số, đứng thứ 2 sau TPHCM.
Xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số của thành phố chiếm tối thiểu 30% GRDP, đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp, 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, khu công viên phần mềm. Ông Quảng kỳ vọng hội thảo sẽ tạo dựng được liên minh gồm các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ để cùng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành chip bán dẫn.
NGHIÊM HUÊ
https://tienphong.vn/dao-tao-nhan-luc-nganh-ban-dan-chon-huong-di-nao-post1579739.tpo
Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com
Cảm ơn bạn đã hoàn thành form. Hãy nhấn vào liên kết dưới đây để tải tệp:
Tải xuống tệp