Hệ lụy của mở trường ồ ạt
Kết thúc mùa tuyển sinh năm 2015, lãnh đạo nhiều trường đại học, cao đẳng đã bày tỏ lo lắng vì không có đủ nguồn tuyển sinh so với yêu cầu đề ra. Điều này dẫn đến các trường gặp khó khăn trong hoạt động giảng dạy và có thể đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản.
Ông Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Hiện cả nước có khoảng 700 trường đại học, cao đẳng. Có thời gian dài nhiều trường đại học, cao đẳng được thành lập ồ ạt. Những năm trước, có nhiều thời gian một tuần có đến 2 đến 3 trường được cấp phép thành lập. Trong 10 năm qua, Nhà nước thành lập thêm trường công nhiều gấp 3 - 4 lần trường ngoài công lập. Như thế, trường ngoài công lập sẽ gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cho các trường tự xác định chỉ tiêu nên các trường công lập, nhất là trường top trên, đăng ký số lượng tăng vọt, thậm chí xét điểm trúng tuyển ngang sàn, như vậy, những trường bậc trung và thấp sẽ khó khăn trong việc tuyển sinh.
Ông Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phương Đông (Hà Nội) cho biết: Trong đợt tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng vừa qua cho thấy cung- cầu trong tuyển sinh mất cân đối. Nhiều trường có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhưng lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào lại ít. Nguyên nhân là nhu cầu thí sinh vào các trường đại học, cao đẳng đã giảm. Hiện các công ty nước ngoài ở Việt Nam có nhu cầu nhân lực cao nên nhiều thí sinh chuyển sang học nghề vì khi ra trường dễ xin được việc, còn học đại học, thời gian lâu dài mà độ rủi ro lại cao. Ngoài ra, một bộ phận học sinh của Việt Nam đi du học ở nước ngoài nên lượng thí sinh xét tuyển vào các trường đại học cũng giảm đi.
“Có nhiều trường đi thuê đất, thuê giáo viên… nhưng vẫn được cấp phép thành lập. Do vậy, Bộ muốn các trường này tồn tại thì phải giao cho chỉ tiêu tuyển sinh lớn nhưng hiện số người theo học đại học đã giảm”, ông Phán cho biết.
Trong một thời gian dài, Bộ GD-ĐT đã ồ ạt cho các trường đại học, cao đẳng được thành lập, mở ngành, mở hệ đào tạo mà buông lỏng việc giám sát, quản lý hay còn “nương tay” chưa giải thể những trường hoạt động không hiệu quả nên đã để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
Cơ cấu trường công hay trường dân lập?
Theo Bộ GD-ĐT, trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm 2015 - 2016, nhiệm vụ đầu tiên là cơ cấu lại hệ thống trường đại học, cao đẳng để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và chất lượng đào tạo. Cụ thể, sẽ điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp, căn cứ trên thực tế nhu cầu học tập của người dân và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó sẽ chú trọng quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo sư phạm, trường đại học sư phạm trọng điểm. Việc nâng cấp và thành lập mới các trường đại học, cao đẳng công lập sẽ được hạn chế tối đa.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, trong những năm gần đây, một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp ở địa phương gặp khó khăn trong tuyển sinh, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, UBND địa phương cơ cấu lại hệ thống trường. Cụ thể là chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường đại học có uy tín… để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư và đội ngũ giảng viên, giảm thiểu cơ sở không đảm bảo chất lượng.
Đồng tình với quan điểm của Bộ GD-ĐT, một cán bộ Học viện Ngân hàng (Hà Nội) cho biết: “Đối với những người làm đào tạo, chất lượng giảng dạy rất quan trọng. Bởi chất lượng đào tạo ảnh hưởng đến lực lượng lao động trong tương lai. Chủ trương Bộ GD-ĐT cơ cấu lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp là đúng. Đối với những trường không đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng đào tạo cần được cơ cấu lại”.
Về vấn đề này, ông Vũ Phán cũng cho rằng: Đối với những trường không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… để đào tạo phải được cơ cấu lại. Đối với những trường đang có sinh viên theo học có thể chuyển sang một trường công lập có ngành nghề đào tạo tương đương. “Nếu tổng kết lại sẽ có rất nhiều trường có số lượng tuyển sinh ít trong nhiều năm nhưng khi cơ cấu lại Bộ GD-ĐT sẽ gặp nhiều khó khăn do đã cấp phép để thành lập các trường”, ông Phán khẳng định.
Ông Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng: Giải thể hay sáp nhập các trường chỉ diễn ra khi trường có thỏa thuận với nhau. Bộ GD-ĐT chỉ sáp nhập hay “khai tử” các trường công đang hưởng ngân sách và chủ sở hữu của Nhà nước. Trường tư sở hữu tư nhân, nếu vi phạm quy chế hoạt động sẽ có chế tài xử lý, nếu không tuyển sinh được trong nhiều năm thì tự nó sẽ giải thể.
Ông Lê Viết Khuyến cũng nhận định: Giải thể hay sáp nhập các trường chỉ được áp dụng với trường công lập và không thể áp dụng với các trường dân lập. Bởi những trường công lập chịu sự quản lý của Nhà nước dù hoạt động không hiệu quả vẫn được bao cấp. Đối với những trường dân lập trong nhiều năm không tuyển sinh được sẽ tự giải thể. Do vậy, chất lượng đào tạo mới là yếu tố quyết định việc thu hút người học cũng như sự tồn tại và phát triển của các trường.
Đỗ Hòa (baohaiquan.vn)
Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com
Cảm ơn bạn đã hoàn thành form. Hãy nhấn vào liên kết dưới đây để tải tệp:
Tải xuống tệp