Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi về một số nội dung quan trọng liên quan dự thảo.
Khác chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục
- Thưa bà, tại sao phải xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học và chuẩn này có gì khác biệt so với chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục?
- Chuẩn giáo dục đại học được sử dụng làm công cụ quản lý Nhà nước để đảm bảo tính thống nhất quốc gia trong việc tuân thủ các yêu cầu tối thiểu cho các hoạt động giáo dục đại học. Chính điều này, tại Điều 68, Luật Giáo dục đại học quy định, Bộ GD&ĐT là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục đại học và có trách nhiệm quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Do đó, chuẩn cơ sở giáo dục đại học là những yêu cầu tối thiểu, sử dụng làm công cụ quản lý Nhà nước trong việc xem xét điều kiện hoạt động và giám sát thường xuyên các điều kiện bảo đảm chất lượng hoạt động, cũng như các kết quả hoạt động chính hàng năm của các cơ sở giáo dục đại học.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được xây dựng theo cách tiếp cận, nguyên lý “rules based” với các KPIs (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) để đo lường, đánh giá các mặt hoạt động chính yếu của mỗi cơ sở giáo dục đại học hàng năm với các tiêu chí theo các yêu cầu tối thiểu, định lượng phản ánh chức năng hoạt động chính của một cơ sở giáo dục đại học.
Còn các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định hiện nay được xây dựng theo cách tiếp cận “nguyên lý” (principle based), nguyên tắc “fit for purpose” nên không dùng để đánh giá các cơ sở giáo dục đại học theo một thước đo hay những yêu cầu chung tối thiểu mà tất cả phải đạt khi thực hiện các hoạt động giáo dục đại học.
Tiêu chuẩn kiểm định được sử dụng để các cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá và cải tiến chất lượng theo sứ mạng, mục tiêu đã công bố; để các tổ chức kiểm định đánh giá, xem xét công nhận chất lượng của cơ sở giáo dục đại học theo chu kỳ nhất định khoảng 5 năm/lần.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm các chỉ số định lượng, dễ xác định và theo dõi, giám sát; trong khi bộ tiêu chuẩn đánh giá kiểm định bao gồm các tiêu chí mang định tính, cần được phân tích, đánh giá bởi các chuyên gia.
Xã hội cùng giám sát
- Chuẩn cơ sở giáo dục đại học có 6 tiêu chuẩn, 24 tiêu chí, 29 chỉ số chính. Dựa trên cơ sở nào để đưa ra những tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số trong bộ chuẩn này, thưa bà?
- Xây dựng Dự thảo Thông tư Chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo tiếp cận là những yêu cầu tối thiểu mà cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng, được đánh giá theo các tiêu chí và kiểm chứng qua các minh chứng, chỉ số tương ứng.
Ngoài ra, hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng để bao quát những điều kiện và kết quả hoạt động chủ yếu của các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tính thực tiễn, thiết thực, khả thi, có thể định lượng, một số nội dung có thể định tính nhưng cần cụ thể, đơn giản, ngắn gọn, dễ đo lường và kiểm chứng.
Dự thảo Thông tư xây dựng trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm triển khai các văn bản quy phạm pháp luật đối với giáo dục đại học. Hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của Chuẩn được xây dựng đảm bảo tính kế thừa các quy định của Việt Nam nhưng không quy định lại các nội dung mà các văn bản quy phạm pháp luật khác đã quy định.
Bên cạnh đó, thông qua việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm Chuẩn giáo dục đại học của các nước trên thế giới như: Australia, Nga, Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản…
Dự thảo Chuẩn được định hướng tương thích với các chuẩn giáo dục đại học thông dụng trên thế giới (đối sánh quốc tế) nhưng đảm bảo phù hợp với điều kiện, bối cảnh của Việt Nam. Đồng thời, dự thảo Chuẩn cũng thực hiện khảo sát số liệu thực tế của các cơ sở giáo dục đại học xem xét mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của Chuẩn.
- Theo bà, khi xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí cần tính đến yếu tố đặc thù, ví dụ như ngành công an, quân đội hay không?
- Trong quá trình lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nhận được ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, một số cơ sở giáo dục đại học thuộc khối An ninh – Quốc phòng về việc nên có quy định riêng về chuẩn cơ sở giáo dục đại học đối với các trường có yếu tố đặc thù của lực lượng công an và quân đội.
Do đặc thù 2 ngành này và để thực hiện quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước theo Luật Bảo mật và an toàn thông tin, dự thảo Thông tư quy định theo hướng không áp dụng đối với tiêu chí đánh giá về hội đồng trường, không áp dụng tiêu chuẩn về tài chính cũng như tiêu chí đánh giá nguồn thu từ hoạt động khoa học - công nghệ.
Đối với các tiêu chí về tuyển sinh, đào tạo, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện như các cơ sở giáo dục đại học khác, vì chuẩn cơ sở giáo dục đại học là tối thiểu và để đảm bảo tính thống nhất chung với toàn quốc gia về hoạt động giáo dục đại học; do đó không thể có Chuẩn giáo dục đại học riêng đối với các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Nhiều đặc thù lĩnh vực được thể hiện qua các hệ số tính toán trong phần hướng dẫn thực hiện Chuẩn như: Hệ số diện tích, giảng viên, công bố quốc tế… Những yêu cầu riêng, cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực sẽ được thể hiện trong Chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo.
- Đạt Chuẩn hay không đều phụ thuộc vào số liệu các trường đại học cung cấp. Vậy, làm thế nào có thể đảm bảo những số liệu đó tin cậy, chính xác?
- Theo Dự thảo Thông tư, kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ được cập nhật trong cơ sở dữ liệu giáo dục đại học quốc gia (HEMIS) và được các cơ sở giáo dục đại học xuất từ hệ thống HEMIS, in và ký đóng dấu gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT. Do đó, dữ liệu các trường nhập vào hệ thống giáo dục đại học quốc gia không chính xác thì báo cáo của các cơ sở giáo dục đại học cũng vi phạm tính giả mạo thông tin và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Với định hướng được quy định tại Dự thảo Thông tư cho thấy, hầu hết dữ liệu để tính toán các chỉ số của Chuẩn do các trường cung cấp lên hệ thống HEMIS là dữ liệu gốc như: Danh sách sinh viên đang học, tuyển mới; danh sách đội ngũ giảng viên… Cùng đó, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và liên quan tới cả quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Một số dữ liệu khác, Bộ GD&ĐT có biện pháp kiểm chứng thông qua các cuộc khảo sát độc lập hoặc đối sánh với hệ thống báo cáo của các cơ quan quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức kiểm định, hoặc Bộ phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kết nối dữ liệu người tốt nghiệp với thông tin nơi làm việc, cung cấp thông tin khách quan về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp các ngành, từng lĩnh vực của từng cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, việc công bố công khai kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học hằng năm cũng là kênh thông tin đặc biệt quan trọng để toàn xã hội cùng giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Hướng xử lý các trường không đạt chuẩn
- Chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ tác động, ảnh hưởng thế nào tới các trường đại học và sinh viên?
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với giáo dục đại học đã quy định các điều kiện tối thiểu các trường phải đáp ứng đối với các hoạt động giáo dục đại học nhưng ở nhiều văn bản khác nhau như: Tuyển sinh, chương trình đào tạo, mở ngành đào tạo mới, tổ chức đào tạo… và công khai thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo…
Tuy nhiên, thực hiện quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2018 cần quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học để thực hiện thống nhất trong quản lý Nhà nước về giáo dục đại học. Do đó, chuẩn cơ sở giáo dục đại học có tác động tới các cơ sở giáo dục đại học nhưng theo hướng tích cực vì bản chất các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn là các cơ sở giáo dục đại học đã và đang triển khai nhiều năm qua.
Thông qua thực hiện chuẩn này, các cơ sở giáo dục đại học xây dựng chiến lược, kế hoạch duy trì, cải tiến các chỉ số hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo ra nhiều ảnh hưởng với các bên có liên quan, thu hút nguồn lực từ xã hội và tạo sự phát triển bền vững cho cơ sở giáo dục đại học. Tác động tích cực nhất của chuẩn cơ sở giáo dục đại học là tạo ra môi trường minh bạch (về chất lượng, hiệu quả), thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học.
Việc công khai kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cung cấp thông tin giúp các bên liên quan có cái nhìn tường minh về diện mạo, sứ mệnh và các chỉ số chính trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, học sinh, sinh viên có khả năng xác định, lựa chọn các cơ sở giáo dục đại học tốt, phù hợp hơn với các chương trình có thể chuẩn bị tốt nhất cho họ để tham gia thị trường lao động.
- Với những trường đại học không đạt được chuẩn cơ sở giáo dục đại học thì hướng xử lý sẽ ra sao, thưa bà?
- Dự thảo Thông tư không quy định hướng xử lý nếu các trường không đạt chuẩn, mà kết quả thực hiện chuẩn theo quy định của Thông tư này sẽ dùng làm căn cứ để xem xét các hoạt động giáo dục đại học của các trường theo quy định pháp luật.
Cụ thể như cơ sở giáo dục đại học không đạt tiêu chuẩn, tiêu chí hay chỉ số đối với hoạt động giáo dục đại học nào đó thì việc xử lý sẽ quy định ở Nghị định số 04/2021/NĐ-CP hoặc các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động giáo dục đại học đó. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chuẩn theo quy định tại Dự thảo Thông tư sẽ được Bộ GD&ĐT công bố công khai hàng năm, dự kiến lần công khai đầu tiên từ tháng 6/2025.
- Xin cảm ơn bà!
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, xây dựng Chuẩn cần đặt lợi ích người học làm trọng tâm, toàn xã hội có thể giám sát, đánh giá để cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên có liên quan. Cùng đó, hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng đảm bảo tính thống nhất của hệ thống giáo dục đại học và đa dạng của từng loại cơ sở giáo dục đại học.
Minh Phong (Thực hiện)
https://giaoducthoidai.vn/chuan-co-so-giao-duc-dai-hoc-thuc-day-canh-tranh-binh-dang-post659179.html
Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com
Cảm ơn bạn đã hoàn thành form. Hãy nhấn vào liên kết dưới đây để tải tệp:
Tải xuống tệp