Các trường nhận xét về thí sinh có chứng chỉ IELTS
Nói về mục đích sử dụng chứng chỉ IELTS cũng như các chứng chỉ ngoại ngữ khác, chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương lý giải: "Năm 2023, Trường Đại học Ngoại thương tuyển sinh 4.100 chỉ tiêu, theo 6 phương thức xét tuyển. Trong đó, trường dành phương thức 2 để xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ.
Trường hiện có 17/35 chương trình được giảng dạy bằng Tiếng Anh, mang lại nhiều cơ hội cho thí sinh lựa chọn ngành phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, các chương trình yêu cầu thí sinh có đủ năng lực tối thiểu để học tập, nghiên cứu, thực hành bằng tiếng Anh. Vì vậy, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ thuận lợi, phù hợp với các chương trình mang tính hội nhập cao này".
Theo TS Hiền, IELTS là một trong các chứng chỉ ngoại ngữ mà Trường Đại học Ngoại thương lựa chọn để sử dụng cho xét tuyển. Nhà trường thực hiện nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có một số phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL ibt, Cambridge certificate, JNPT, HSK, DEFT….) và kết quả học tập THPT/chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT,ACT, A-Level)/kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Các chứng chỉ ngoại ngữ này có điểm chung là kiểm tra đủ 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết, được Bộ GDĐT công nhận trong xét tuyển và đào tạo, đồng thời được công nhận rộng rãi trên toàn cầu. Các chứng chỉ đã được áp dụng hiệu quả trong tuyển sinh ở các trường đại học uy tín ở nhiều nước/khu vực trên thế giới, đều phổ biến và được tổ chức thi tại nhiều đơn vị ủy quyền ở Việt Nam. Nội dung thi của các chứng chỉ ngoại ngữ này ngày càng tương thích với chương trình học tập ở bậc THPT tại Việt Nam.
Điều đặc biệt, đánh giá thực lực của sinh viên có đầu vào sử dụng chứng chỉ IELTS so với các sinh viên thông thường, TS Hiền cho hay: "Hàng năm trường đều có phân tích dữ liệu thí sinh vào học tại trường theo các phương thức khác nhau. Kết quả cho thấy, thí sinh trúng tuyển từ phương thức xét kết hợp chứng chỉ quốc tế đều đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và có năng lực học tập tốt. Đây cũng là một trong những cơ sở để trường duy trì việc sử dụng các chứng chỉ quốc tế, trong đó có chứng chỉ IELTS trong xét tuyển".
PGS.TS Nguyễn Mai Đăng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Thủy lợi thông tin: "Hiện tại trường không tuyển sinh theo phương thức xét chứng chỉ IELTS nhưng các em sẽ được cộng điểm ưu tiên đầu vào, đồng thời được học lên thẳng năm 2 mà không phải học năm nhất".
Được biết, năm 2023, 2 chương trình tiên tiến của Trường Đại học Thủy lợi là Kỹ thuật xây dựng và Kỹ thuật tài nguyên nước tuyển sinh 55 chỉ tiêu. Sau đó, 4 sinh viên đủ tiêu chuẩn được "đặc cách" học thẳng năm 2.
PGS Đăng nhận xét: "Những sinh viên có chứng chỉ IELTS đều là những sinh viên có chất lượng thật, đảm bảo năng lực và thuận lợi bắt nhịp ngay kiến thức, thay vì năm nhất phải đầu tư cho việc học tiếng Anh. Các em cũng được ưu tiên tham gia các hội thảo quốc tế để phát triển kỹ năng mềm, nghiên cứu khoa học và có cơ hội đi học ở nước ngoài".
Đồng quan điểm, Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương TP.HCM cho hay: "Ở Việt Nam, chứng chỉ IELTS đang được các học sinh quan tâm đầu tư nhiều thời gian gần đây. Chứng chỉ này đánh giá toàn diện các kỹ năng của người học và được tổ chức thi với nhiều lớp bảo mật đa tầng nên việc "mua bán" chứng chỉ là điều không thể rất khó. Tính chính xác, nghiêm túc được các trường đại học đặt lên hàng đầu trong khâu tuyển chọn thí sinh nên việc các trường ưu tiên dành chỉ tiêu cho thí sinh có chứng chỉ IELTS cũng dễ hiểu".
"Ở Trường Đại học Công thương TP.HCM, tỷ lệ sinh viên giao tiếp giỏi bằng tiếng Anh chỉ chiếm khoảng trên 55%, phần lớn là các em ở thành phố lớn, còn lại là sinh viên yếu kém tiếng Anh. Có những bạn đã xét tốt nghiệp đại học, có giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học nhưng chưa lấy được bằng vì chưa đạt yêu cầu (thiếu chứng chỉ B1, tin học và công tác xã hội)", Ths Sơn cho hay.
TS. Nguyễn Duy Phương, Trưởng khoa Công nghệ thông tin 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn cũng tiết lộ: "Tôi thấy sự chênh lệch năng lực giữa các thí sinh ở các phương thức khá rõ. Phương thức kết hợp giữa học bạ và chứng chỉ ngoại ngữ tốt hơn các sinh viên còn lại. Học viện rất chú trọng trong việc tuyển hồ sơ. Các em phải là những học sinh trường chuyên, đại giải học sinh giỏi tỉnh trở lên mới được chọn. Dù chưa khẳng định được nhưng các cá nhân xuất sắc đến từ phương thức này".
Không có tình trạng bất bình đẳng giữa các thí sinh
Trước băn khoăn, lo lắng của dư luận về việc trường chấp nhận chứng chỉ IELTS sẽ tạo ra sự chênh lệch, bất bình đẳng giữa cách thí sinh, tăng sự phân hóa giàu - nghèo, Trường Đại học Ngoại thương khẳng định, đã có những giải pháp để đảm bảo tính công bằng, hiệu quả thực chất khi sử dụng chứng chỉ IELTS nói riêng và các chứng chỉ quốc tế khác nói chung trong xét tuyển.
Cụ thể, trường áp dụng đa dạng các phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế cùng với các phương thức xét tuyển truyền thống khác nhằm đảm bảo tính ổn định, khả năng tiếp cận của người học cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng cho các chương trình đào tạo của Nhà trường; công bố số lượng chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển một cách rõ ràng, công khai khi xét tuyển ở tất cả các phương thức.
Theo TS Vũ Thị Hiền, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như một căn cứ trong quá trình xét tuyển, không phải tiêu chí duy nhất mà sẽ xét tuyển dựa trên nhiều yếu tố năng lực khác như kết quả học tập THPT, kết quả thi tốt nghiệp THPT,… Nhà trường chú trọng thực hiện đánh giá chất lượng tuyển sinh hàng năm, nghiên cứu về giáo dục phổ thông, yêu cầu của các chương trình đào tạo, các hình thức đánh giá chất lượng người học hiện nay và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị tổ chức cấp chứng chỉ quốc tế, các trường THPT trên cả nước để có những điều chỉnh chính sách tuyển sinh cho phù hợp.
Ths Phạm Thái Sơn nêu quan điểm, việc sử dụng chứng chỉ IELTS trong xét tuyển đại học có phần gây ra bất công cho học sinh giữa các vùng, tuy nhiên, các trường cũng cần lựa chọn thí sinh phù hợp với tiêu chí đào tạo của mình. Chỉ cần nỗ lực học tập, học sinh khó khăn vẫn vào đại học bình thường vì các trường dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển cho các phương thức khác.
PGS.TS Nguyễn Mai Đăng thẳng thắn: "Có được chứng chỉ IELTS, thí sinh và gia đình tốn tiền bạc, công sức nhiều. Học sinh không có điều kiện sẽ mất hẳn cơ hội xét tuyển theo phương thức này. Theo PGS Đăng, các trường nên cộng điểm, xét kết hợp cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ thay vì dành hẳn phương thức riêng. Một số trường liên quan đến khối D, C như có ngành khoa học xã hội, kinh tế, quản lý... thì có thể sử dụng chứng chỉ IELTS. Còn những trường liên quan đến ngành kỹ thuật thì cần thí sinh giỏi Toán - Lý - Hóa hơn thay vì chỉ giỏi ngoại ngữ".
Tào Nga
https://danviet.vn/cac-truong-dai-hoc-noi-gi-truoc-xu-huong-uu-tien-thi-sinh-co-chung-chi-ielts-20231128214725898.htm
Bản quyền 2024 @ Diemtuyensinh.com
Cảm ơn bạn đã hoàn thành form. Hãy nhấn vào liên kết dưới đây để tải tệp:
Tải xuống tệp