Top các ngành triển vọng khối B, học xong không lo thất nghiệp
"Dân khối B" luôn được thầy cô đánh giá sở hữu tính cách thích tìm tòi, học hỏi, đam mê nghiên cứu, phân tích. Hiện nhiều ngành với triển vọng nghề nghiệp tương lai cho thí sinh lựa chọn theo học.
Tổng hợp các tổ hợp môn thi khối B.
Ngành Y Dược
Nhắc đến ngành nghề dành cho khối B, chắc chắn không thể thiếu cái tên Y Dược. Bài viết trên website trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội nêu, Y Dược là tên gọi chung của những nhóm ngành sức khỏe, bao gồm y học kết hợp với dược học. Y học thiên về chẩn đoán, điều trị bệnh bằng các phương pháp cổ truyền hay hiện đại, còn dược học chuyên nghiên cứu và phát triển các loại thuốc.
Đại học Đông Á thống kê một số cơ hội công việc đối với nhóm ngành này. Có thể kể đến: Bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học cổ truyền, kỹ thuật y học, điều dưỡng, giảng viên y dược, dược sĩ.
Mức lương của nhóm ngành Y Dược phụ thuộc vào khối lượng công việc và công sức bỏ ra. Tuỳ vào các vị trí và trình độ, mức lương tương ứng cũng sẽ khác nhau.
Một số trường đại học nổi tiếng đào tạo nhóm ngành này, bạn có thể tham khảo: trường Đại học Y Hà Nội, Y Dược TP.HCM, Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), Y Dược Huế, Y tế công cộng, Dược Hà Nội...
Công nghệ thực phẩm
Công nghệ thực phẩm thuộc nhóm những ngành nghề triển vọng, tuyển sinh bằng khối B. Ngành học chuyên về lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, kiểm tra, đánh giá chất lượng trong quá trình chế biến thực phẩm; đồng thời nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất - bảo quản, tạo ra nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm hay hóa học.
Theo bài viết trên web Đại học Công nghệ TP.HCM, sau khi tốt nghiệp sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm có thể làm việc chuyên môn tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm hay các viện nghiên cứu hoặc có thể trở thành chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cộng đồng.
Sinh viên mới ra trường, bắt đầu với các vị trí công việc cơ bản sẽ có mức lương khoảng 8 - 14 triệu đồng/ tháng, theo trường Đại học Lạc Hồng.
Công nghệ sinh học
Ngành này có thể ứng dụng vào nhiều công việc như: Chế biến bảo quản thực phẩm, sản xuất chế phẩm sinh học, xử lý ô nhiễm môi trường...
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đánh giá, tại Việt Nam, ngành Công nghệ sinh học nằm trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ từ nay đến năm 2030, nhằm ứng dụng vào các lĩnh vực như y dược, nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường.
Mức lương ngành công nghệ sinh học nằm trong top cao và không ngừng tăng đều lên hàng năm. Cụ thể, mức lương trung bình cao nhất mà việc làm công nghệ sinh học nhận được vào khoảng 30 triệu đồng/ tháng. Còn với sinh viên mới ra trường, do chưa có nhiều kinh nghiệm, mức lương dao động từ 7 - 10 triệu đồng/ tháng.
Một số trường đào tạo ngành Công nghệ sinh học: Đại học Bách khoa Hà Nội, Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc Gia Hà Nội), Tôn Đức Thắng, Cần Thơ, Công nghệ TP.HCM, Nông nghiệp Việt Nam...
Chăn nuôi
Tốt nghiệp ngành Chăn nuôi bạn có thể làm các công việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi hay làm việc ở các trạm khuyến nông ở địa phương...
Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu, mức lương phổ biến của nhân viên ngành này dao động từ 10 - 15 triệu đồng/ tháng. Riêng với những người tham gia hoạt động kinh doanh về chăn nuôi, mức lương có thể lên tới 20 - 25 triệu đồng/ tháng.
Bạn có thể tham khảo một số trường đại học tuyển sinh khối B ngành Chăn nuôi: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Nông Lâm TP.HCM, Kiên Giang...
Ngoài ra nếu đam mê về mảng xây dựng hay kinh tế, bạn cũng có thể tham khảo thêm các ngành khác như: Công nghệ kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật cấp thoát nước, Kinh tế đầu tư, Quản lý dự án...
NHI NHI (tổng hợp)
https://vtc.vn/top-cac-nganh-trien-vong-khoi-b-hoc-xong-khong-lo-that-nghiep-ar817742.html