Thi tốt nghiệp THPT 6 môn gây thiệt thòi cho thí sinh theo khối tự nhiên?

Cập nhật: 04/10/2023
Nhiều giáo viên lo lắng thi tốt nghiệp THPT với 6 môn sẽ thiệt thòi cho thí sinh theo khối khoa học tự nhiên, tăng áp lực thi cử.

Cần giảm áp lực thi cử

Bộ GD&ĐT vẫn chưa công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trong tháng 9 như kế hoạch trước đó.

Bước thận trọng này có thể là bởi khi đưa phương án thi tốt nghiệp để xin ý kiến dư luận đã nhận được nhiều quan điểm trái chiều.

Bộ GD&ĐT đã đề xuất thi chung đề, chung đợt, cho học sinh tự quyết định chọn môn học trong số các môn học lựa chọn. 

Theo đó, phương án 1 gồm 6 môn, trong đó 4 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, lịch sử, ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn trong số các môn ở lớp 12.

Phương án 2 gồm 5 môn trong đó toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học (cả môn lịch sử).

Trên các diễn đàn nhiều nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, phụ huynh và giáo viên tham gia đóng góp sôi nổi.

ThS Nguyễn Quang Thi - giáo viên Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng - chia sẻ, đổi mới sách giáo khoa sẽ kéo theo đổi mới phương pháp giảng dạy và tiếp tục đổi mới thi cử sao cho phù hợp với năng lực của mỗi học sinh. Quan điểm chung khi tiến hành thực hiện chương trình là học sinh học chương trình nhẹ nhàng nên thi cũng nhẹ nhàng và không áp lực.

Trong buổi tổng kết năm học 2022-2023 và theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là yêu cầu Bộ GD&ĐT cần tiếp tục đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng nghiêm túc, gọn nhẹ, giảm áp lực nhưng vẫn phải chú trọng chất lượng.

Với những lập luận trên, ThS Nguyễn Quang Thi - giáo viên Trường THPT Bảo Lộc đề xuất chọn sử dụng phương án 2 về thi tốt nghiệp THPT.

Lý giải cụ thể hơn, giáo viên này cho rằng, việc này thể hiện cân bằng trong chọn tổ hợp môn cho thí sinh. Thí sinh thi khối A, chọn thêm lý và hóa. Thí sinh thi khối B chọn hóa và sinh. Thí sinh thi khối C chọn sử và địa…

"Như vậy sẽ rạch ròi từng tổ hợp giúp học sinh xác định môn học ngay từ đầu năm để có kế hoạch ôn thi hiệu quả hơn và làm cở sở xét tuyển đại học", ông Thi bày tỏ.

Cùng với đó, việc này giúp giảm áp lực thi cử cho thí sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay là 6 môn và nay còn 5 môn sẽ giảm 1 môn. Học sinh đỡ vất vả hơn trong việc ôn tập.

Công tác tổ chức và việc dự thi của thí sinh gọn nhẹ, giảm tốn kém đồng thời phù hợp với quy định về môn học bắt buộc và lựa chọn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một điểm khác là sự công bằng về đánh giá kết quả học tập giữa các đối tượng thí sinh.

"Thông thường học sinh giỏi môn tự nhiên sẽ yếu hơn về xã hội. Với phương án thi 2 giúp thí sinh phát huy năng lực, sở trường; tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào cơ sở giáo dục đại học", giáo viên tỉnh Lâm Đồng nói.

Cùng với đó, ThS Quang Thi cho rằng trong tương lai gần, Bộ GD&ĐT cần hướng đến xét tốt nghiệp cho đối tượng học sinh này.

Ông bày tỏ, bằng tốt nghiệp THPT hiện nay có thể coi như "tấm thẻ thông hành" để các em đi học nghề và tham gia lao động sản xuất. Hơn nữa, nó chỉ đánh dấu chặng đường học phổ thông của học sinh mà không cần tạo áp lực ép học sinh vùi đầu ôn thi.

"Chúng ta biết rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế theo hướng phát triển năng lực. Vì thế, cần ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Sự ổn định của 5 môn thi nói trên là phù hợp để học sinh còn có thời gian sống vì các em có xét tuyển đại học đâu mà học ngày, học đêm", ông Thi chia sẻ.

Cân bằng giữa khoa học và tự nhiên

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối sở GD&ĐT do Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT tổ chức tại TPHCM tổ chức hồi cuối tháng 8, cán bộ quản lý giáo dục các địa phương cũng đã bàn luận sôi nổi, thẳng thắn về vấn đề này.

Tổng hợp ý kiến từ các đại biểu trong phiên chuyên đề về công tác quản lý, tổ chức thi, ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng - cho hay đa số đại diện sở đã lựa chọn phương án thi 5 môn gồm 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn.

Ông Lợi nêu lý do chọn phương án này bởi theo xu hướng vài năm trở lại đây, rất nhiều thí sinh đã chọn bài thi khoa học xã hội, có tỉnh tỷ lệ này tới 70-80%.

Chẳng hạn, TP Hải Phòng có đến 2/3 số thí sinh dự thi chọn bài thi khoa học xã hội.

"Nếu như môn lịch sử trở thành bắt buộc thì sự mất cân bằng giữa số lượng chọn tổ hợp các môn xã hội và tổ hợp các môn tự nhiên của học sinh sẽ ngày càng tăng lên", ông Lợi nói.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tân nhận định nếu lịch sử cùng với toán, ngữ văn, ngoại ngữ là các môn thi bắt buộc sẽ rất thiệt thòi cho học sinh lựa chọn tổ hợp các môn tự nhiên ở bậc THPT.

Vì thế, ông Tân cho rằng thi 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ và thêm 2 môn tự chọn là hợp lý.

Đại diện TP Cần Thơ cũng bày tỏ trăn trở về xu hướng thí sinh không còn chọn môn khoa học tự nhiên những năm gần đây là một điều đáng lo lắng. 

Song, ở hướng khác, không ít ý kiến cũng đánh giá tầm quan trọng của môn lịch sử trong giáo dục tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước cho học sinh, vì thế, đề xuất môn học này trở thành bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 trở đi.

Huyên Nguyễn
https://dantri.com.vn/giao-duc/thi-tot-nghiep-thpt-6-mon-gay-thiet-thoi-cho-thi-sinh-theo-khoi-tu-nhien-20231003070450308.htm

Chủ đề liên quan: