Nở rộ lớp chất lượng cao ở đại học
“Con cưng” của các trường
Nhiều trường ĐH công lập xem các lớp chất lượng cao (CLC) là “con cưng” vì được thu học phí cao ngất ngưởng. Trong khi các lớp đại trà thu học phí theo quy định thì với chương trình này mỗi trường quy định mỗi kiểu, từ 16 đến khoảng 60 triệu đồng/năm. Chính vì vậy, khi xét tuyển, các trường rất quan tâm khuyến khích thí sinh theo học. Điều này thể hiện rõ nét qua đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Nhiều trường hợp thí sinh không biết có khả năng trúng tuyển vào trường không khi điểm ngang với mức điểm đầu vào trường công bố tạm thời thì người tư vấn thường khuyên có gì chuyển qua chương trình... CLC.
Vì vậy không những ngày càng có nhiều trường tham gia chương trình này mà các trường còn mở rộng nhiều ngành học. Chẳng hạn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có 15 ngành học so với 21 ngành học đại trà. Trường ĐH Tài chính - Marketing tuyển sinh 9 ngành với chỉ tiêu đăng ký vào học không hạn chế.
Các trường ĐH đều quảng bá lớp CLC có số lượng sinh viên ít (30 - 50 sinh viên - SV), học giáo trình tiên tiến, giáo viên giỏi, phòng máy lạnh, có internet, tạo điều kiện thực tập...
Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, các lớp này được đặt ở 2 phòng học luôn đóng cửa, tách biệt với các lớp bình thường. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM bố trí hẳn một khu riêng biệt. Thời gian tới, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sẽ tổ chức một khu vực riêng dành cho CLC.
Những SV theo học chương trình này của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM được chọn chuyên ngành ngay từ đầu và được ưu tiên sắp xếp học. Trong khi đó, SV các lớp đại trà chỉ được đăng ký chuyên ngành khi học xong đại cương và sắp xếp theo nguyện vọng.
Dịch vụ cao hay chất lượng cao ?
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết lớp CLC về kỹ thuật phải đầu tư rất tốn kém, quy mô các lớp thường nhỏ hơn (40 SV/lớp). Tuy Bộ GD-ĐT quy định chương trình này có ít nhất 20% chuyên ngành dạy tiếng Anh nhưng trường dạy toàn bộ và có mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy. Quá trình học tập, nghiên cứu khoa học, tiếp cận thầy cô giáo cũng theo chuẩn quốc tế. Ông Dũng còn cho rằng ngoài việc dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, trường còn tuyển sinh SV quốc tế. “Nghĩa là đây phải là một môi trường quốc tế chứ không chỉ đơn thuần là CLC. Và tất cả các ngành mở lớp CLC đều được kiểm định quốc tế”, ông Dũng nói thêm.
Một lãnh đạo của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết trường thí điểm chương trình từ năm 2006. Ban đầu gần giống với hình thức dịch vụ cao nhưng từ sau khi có Thông tư 23 của Bộ quy định về chương trình CLC, trường đã xây dựng lại chương trình mới. Một số học phần theo giáo trình của Mỹ, điều chỉnh một số môn học tích hợp, sắp tới giáo trình bên cạnh tiếng Việt còn phải có tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh.
Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết trường thí điểm làm từ năm 2004, trước đó chưa hoàn toàn đúng là CLC. Nhưng hiện nay chương trình khác với lớp đại trà, SV tham gia thảo luận, làm bài tập... mức độ cao hơn. SV học nhiều môn trực tiếp bằng tiếng Anh. Đầu ra của SV hoàn toàn khác, chẳng hạn có thể tranh tụng tại tòa hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Đầu vào mỗi nơi mỗi kiểu
Chương trình này mở ở nhiều trường nhưng đầu vào mỗi nơi mỗi kiểu. Có nơi chọn thí sinh điểm cao nhưng phần lớn các trường lấy đầu vào bằng điểm sàn.
Trường ĐH Luật Hà Nội quy định ưu tiên tuyển chọn nếu là học sinh THPT chuyên, xếp loại giỏi 3 năm, đoạt ba thứ hạng đầu các kỳ thi cấp tỉnh, thành phố hoặc tương đương. Trường ĐH Ngoại thương cũng xét tuyển với điểm đầu vào khá cao và thí sinh phải trải qua vòng kiểm tra tiếng Anh. Học viện Ngân hàng chỉ cho phép đăng ký đối với SV đã hoàn tất các học phần năm thứ nhất trở đi, điểm tiếng Anh tối thiểu phải đạt 5,0 IELTS hoặc tương đương. Trường ĐH Luật TP.HCM quy định SV sau khi trúng tuyển muốn đăng ký vào học CLC sẽ trải qua phỏng vấn tiếng Anh và trắc nghiệm IQ.
Ngược lại, phần lớn nhiều trường, SV chương trình này có đầu vào không khác biệt gì so với chương trình đại trà. Điều kiện đầu vào học lớp CLC tại các trường ĐH như: Tài chính - Marketing, Bách khoa TP.HCM, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Mở TP.HCM... như đại trà. Thậm chí năm nay điểm trúng tuyển vào các ngành có chương trình CLC của Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM thấp hơn cả các ngành ở lớp đại trà.
Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho biết: “Khi xây dựng đề án, trường không bao giờ xác định điểm chương trình CLC thấp hơn đại trà. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào việc tổ chức tuyển sinh. Thí sinh nộp hồ sơ có mức điểm như thế nào thì phải xác định điểm chuẩn như vậy. Thêm vào đó, mỗi ngành có một thế mạnh đặc thù riêng, không thể gắn điểm chuẩn ngành này với ngành kia”.
Giảng viên ít nhất phải là thạc sĩ
Ngày 18.7.2014, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 23 với nhiều quy định chi tiết về việc đào tạo loại hình này. Chẳng hạn, giảng viên phải có trình độ thạc sĩ trở lên; Có giảng viên uy tín của các trường ĐH nước ngoài; phòng học riêng được trang bị máy tính kết nối mạng internet và các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, học tập...
Lo ngại biến tướng
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hiện nay nhiều trường mở rộng chương trình CLC. Có nhiều trường đảm bảo đúng quy định nhưng cũng có nơi chỉ thu học phí cao hơn. Đa phần các trường đầu tư chương trình CLC với mong muốn đây là nơi có thể thực hiện mô hình mới, cải tiến, thay đổi, làm “đầu tàu” để dần dà kéo chất lượng đào tạo của cả trường đi lên. Nhưng nhiều chuyên gia am hiểu về chương trình này cho biết vẫn có nhiều trường chủ yếu muốn tăng thu nhập chứ đầu tư không nhiều. Các trường này cũng giảm SV, có phòng học tốt, lấy mô hình nước ngoài để giảng dạy nhưng không có định hướng đúng, chỉ cung cấp dịch vụ tốt hơn cho việc học là chính.
Một tiến sĩ của trường ĐH công lập tại TP.HCM có nhiều năm tham gia quản lý chương trình CLC nhận xét rằng hiện tại chương trình này đang có nhiều biến tướng. Có nhiều nơi làm khá tốt, nhiều nơi chỉ chủ yếu thu tiền.
Đăng Nguyên
Nguồn: thanhnien.com.vn