Nhiều đề xuất thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ gồm 2 môn bắt buộc

Cập nhật: 17/10/2023
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, gần 60% ý kiến giáo viên ở một số địa phương tham gia khảo sát (TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang) lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT 2+2.

Cụ thể, có 17.981 cán bộ, giáo viên tham gia ý kiến, trong đó có 40% chọn lựa chọn phương án 4+2; 59,8% chọn lựa chọn phương án 2+2 và 0,2% chọn ý kiến khác.

Phương án 2+2 là phương án thí sinh học chương trình THPT và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT phải thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là ngữ văn và toán, cộng thêm 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học lớp 12 (gồm cả Ngoại ngữ và Lịch sử).

Theo phân tích, phương án thi tốt nghiệp 2+2 có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, phương án thi này giúp giảm áp lực thi cử cho thí sinh so với kỳ thi tốt nghiệp hiện nay gồm 6 môn.

Thứ hai, phương án thi tốt nghiệp THPT này cũng giảm chi phí tiền bạc, thời gian cho gia đình học sinh và cả xã hội. Theo đó, thí sinh sẽ thi trong 1,5 ngày thay vì 2 ngày như hiện nay. Buổi sáng ngày thứ nhất thi môn toán, buổi chiều thi môn ngữ văn và buổi sáng ngày thứ 2 thi 2 môn lựa chọn (buổi chiều dự phòng).

Thứ ba, phương án 2+2 được đánh giá là không gây mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, giúp học sinh dành thời gian học các môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp; thí sinh được chọn 2 môn lựa chọn để phát huy năng lực sở trường, có kết quả thi thuận lợi để xét vào các cơ sở giáo dục đại học.

Đối với phương án thi tốt nghiệp THPT 6 môn hiện nay đã tác động đến việc lựa chọn môn học của học sinh, dẫn đến bất cập trong việc phân công giáo viên giảng dạy, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các trường.

Phương án thi 5 môn cũng có thể dẫn đến xu hướng tăng việc lựa chọn tổ hợp tuyển sinh các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, làm giảm một phần vai trò của nhóm môn học tự chọn, đi ngược lại chủ trương của Chương trình mới.

Nhược điểm duy nhất của phương án này là có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ. Đây là 2 môn bắt buộc phải học. 

Trước đó, nhằm rộng đường dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả lấy ý kiến trên phạm vi cả nước về các phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 gồm 4+2 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn và phương án 3+2 ((Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn.

Nhưng ngay sau đó, trong quá trình khảo sát tại một số địa phương, căn cứ nguyện vọng của nhiều cán bộ, giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung thêm một phương án là 2+2.

Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phương án thi chính thức sẽ được công bố trong quý IV/2023. Thời điểm này, học sinh lớp 11 đã sắp bước vào kỳ kiểm tra giữa học kỳ I. Các em đang mong chờ từng ngày phương án thi cụ thể để có thời gian chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023 đã có 1.025.166 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT thành công. Và nhận thấy, năm 2023 đã tăng khoảng 24.000 thí sinh so với năm 2022.

Trong đó, có 94,51% là số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến; 5,49 % là số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp chiếm; và số lượng thí sinh tự do chiếm 4,71 %.

Và trong hơn 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thì có tới 917.731 thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh, chiếm tới 89,52 % tổng thí sinh.

Ngoài ra, có 73.232 thí sinh đăng ký dự thi với mục đích chỉ để xét tốt nghiệp THPT (tức chiếm 7,14%) và 34.203 thí sinh còn lại thì tham gia với mục đích là chỉ dự thi để xét tuyển sinh (chiếm 3,34%).

D.Ngân
https://baodautu.vn/nhieu-de-xuat-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-chi-gom-2-mon-bat-buoc-d200964.html

Chủ đề liên quan: