Khối ngành xã hội, nhân văn chưa hết “hot”
Mỗi năm tuyển 8.100 người
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, dù đã làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng nhưng thí sinh vẫn thích chạy theo ngành hot. Do đó, các bạn thường chọn ngành theo tâm lý đám đông. 5 năm trước, sinh viên ngành tài chính ngân hàng, Chứng khoán... ra trường dễ tìm được việc làm,thu nhập cao nên thí sinh đổ xô vào học. Đến nay, khi thị trường lao động ở khối này bão hòa thì sinh viên ra trường rất khó tìm được việc làm.
Ngược lại, ở nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn lại đang rất thiếu nhân lực. Ông Trần Anh Tuấn lý giải: “Có một thời gian dài, thí sinh đã quay lưng với nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn. Do đó, nhân lực ngành này đang rất khan hiếm. Trong khi đó, nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn là 1 trong 9 ngành thu hút nhiều lao động nhất tại TP HCM trong giai đoạn 2014 - 2015 và xu hướng đến năm 2020 - 2025. Từ đây đến năm 2025, mỗi năm nhóm ngành này tuyển 8.100 người. Mức lương không hề thua kém các ngành khác.
Tại TP HCM có nhiều trường ĐH đào tạo khối ngành khoa học xã hội, có thể kể đến các trường như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Văn hóa TP HCM. Trong đó phải kể đến Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM là trung đào tạo bậc cử nhân các ngành khoa học xã hội và nhân văn có quy mô nhất khu vực phía nam. Hiện nay, nhà trường đào tạo 54 chương trình giáo dục thuộc 27 ngành đào tạo các hệ chính quy tập trung, văn bằng hai chính quy, liên thông/ hoàn thiện đại. Trường thu hút trên 20.000 sinh viên theo học các hệ nói trên.
Thử thách sự kiên nhẫn
TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết, trong khối ngành khoa học xã hội tại trường, cho đến nay điểm đầu vào cao nhất vẫn thuộc các ngành báo chí truyền thông, ngôn ngữ Anh và quan hệ quốc tế. Theo TS Hạ, sức hút của các ngành này có tỷ lệ thuận với khả năng việc làm của những ngành này sau khi ra trường. Nhất là những sinh viên theo học ngành ngôn ngữ Anh và quan hệ quốc tế có nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao.
Tuy nhiên ông Hạ cũng khuyên thí sinh chọn ngành phải căn cứ vào yếu tố có phù hợp với năng lực, sở trường của mình hay không, đừng căn cứ vào yếu tố sở thích bởi sở thích có thể thay đổi theo thời gian, trong khi đó có những ngành nghề mình thích nhưng chưa chắc đã phù hợp. Nhiều thí sinh đổ xô vào ngành kể trên nhưng học lực không đáp ứng được vì điểm đầu vào rất cao.
Theo TS Hạ, trong số các ngành khoa học xã hội, xã hội học tuy không phải là ngành có điểm đầu vào cao nhất trường nhưng trong những năm gần đây có sức thu hút thí sinh khá cao và kể cả những người đi làm, muốn tìm hiểu chuyên sâu thêm về một lĩnh vực có độ nghiên cứu tổng quát này. Nếu không theo chuyên ngành xã hội học, người học cũng được tiếp cận trong chương trình học phần đại cương của những ngành học khác.
Ông Hạ cũng cho hay, ngành xã hội học cần rất nhiều kỹ năng thực hành chuyên nghiệp, không đơn thuần chỉ là làm công tác nghiên cứu xã hội như nhiều người nhầm tưởng. Cụ thể, nhà xã hội học cần có tư duy phân tích để chạm tới, nắm bắt được sợi dây bản chất xuyên suốt mỗi hiện tượng xã hội. Như vậy rất cần thái độ kiên nhẫn. Ngoài ra, không kém phần quan trọng đối với một người làm nghề xã hội học là khả năng giao tiếp tốt và tính nhân văn vì đối tượng trực tiếp làm việc là con người.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, xã hội học là một nghề đa dạng về môi trường công việc. Đơn cử, có thể tiếp tục làm nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu, làm giảng viên xã hội học tại các cơ sở đào tạo CĐ, ĐH, sau ĐH, về làm việc tại các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, thậm chí là cả trong những bộ phận liên quan đến quan hệ đối ngoại, quan hệ xã hội, quan hệ công chúng của các tổ chức kinh tế, báo chí, doanh nghiệp...
Đặng Trinh (nld.com.vn – 12/02/2016)