Điều chỉnh xét tuyển vào ĐH, CĐ ra sao?

Cập nhật: 09/08/2023
Dự kiến trong tuần này Bộ GD-ĐT sẽ hoàn tất dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016 để lấy ý kiến các trường.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Quy chế thi THPT quốc gia cơ bản giữ ổn định như năm 2015 nhưng có một số điều chỉnh trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.

Điểm nộp hồ sơ cần sát với điểm thực tế

 

Cần nhất quán trong quy chế

Cũng có ý kiến Bộ cần có hướng dẫn cụ thể và nhất quán trong việc thực hiện quy chế. Các văn bản hướng dẫn thực hiện này cần được thông báo rộng rãi, trước khi thi nhằm hạn chế sự ra đời của những văn bản khẩn gây áp lực với TS và đơn vị tổ chức thi. Kỳ thi năm 2015, chỉ trong vòng 2 - 4 tuần tổ chức thi Bộ đã ban hành nhiều văn bản và công điện chỉ đạo khẩn. Trong đó, nội dung các văn bản này có khi trái ngược, thiếu tính nhất quán với quy chế đã ban hành trước đó.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trong thời gian 3 - 5 năm tới Bộ nên tiếp tục duy trì phương thức tuyển sinh như đã thực hiện trong năm 2015. Tuy nhiên, phần mềm thi và xét tuyển cần hoàn thiện hơn theo hướng không cần phải in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh (TS) mà TS chỉ đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển bằng tài khoản đã được cấp.

Cũng theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, năm 2015 dư luận phản ứng gay gắt nhất là việc TS phải vất vả rút và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Nguyên nhân chủ yếu là các trường không công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ phù hợp khiến TS không xác định được khả năng của mình. Khi các trường công bố kết quả vào giai đoạn nước rút dẫn đến tình trạng có những TS rớt cả 4 nguyện vọng, hoặc thay đổi đột ngột sang nguyện vọng khác không đúng định hướng nghề nghiệp ban đầu.

Ông Dũng cho rằng, Bộ cần chỉ đạo các trường phải xác định điểm sàn nộp hồ sơ sát với điểm chuẩn thực tế.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đề nghị không sử dụng cụm từ “đổi mới kỳ thi năm 2016” mà nên là hoàn thiện, khắc phục các thiếu sót từ kỳ thi năm 2015, vì về cơ bản kỳ thi này đạt được mục tiêu đề ra. Theo đề xuất của tiến sĩ Lý, thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên vào đầu tháng 7 để TS có thời gian ôn tập, đồng thời không ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của các trường đã được thiết lập trước đó.

Cũng có ý kiến đề nghị trường ĐH nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên điểm sàn từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu. Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, TS sẽ tham gia xét tuyển trực tuyến vào 4 ngành ở các trường khác nhau, mỗi trường một nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống. Nếu TS trúng tuyển nguyện vọng trước sẽ không tham gia xét tuyển nguyện vọng sau và đảm bảo TS đăng ký đúng ngành yêu thích. Tuy nhiên, quy trình này chỉ thực hiện được nếu điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo và ổn định; dữ liệu thống nhất, đồng bộ.

Quan tâm tới định hướng nghề nghiệp

GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 còn một số hạn chế cần khắc phục về mặt kỹ thuật như: việc công bố điểm thi THPT quốc gia chậm so với kế hoạch nên ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh các trường, phần mềm xét tuyển còn nhiều bất cập, quy trình nộp và rút hồ sơ chưa thực sự khoa học…

Đặc biệt, theo tiến sĩ Quỳ, việc cho phép TS đăng ký xét tuyển như năm ngoái chưa thích ứng với định hướng lựa chọn nghề nghiệp. “Khi cho phép TS đăng ký 4 ngành trong một nguyện vọng, quy định này chỉ tính đến mục đích làm sao TS trúng tuyển vào trường mà chưa tính đến yếu tố ngành mà TS trúng tuyển có phù hợp với năng lực và sở thích không”, tiến sĩ Quỳ nói.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định chỉ nên cho TS đăng ký vào 2 - 3 ngành trong cùng một trường ở mỗi đợt xét tuyển. Trong khi xét tuyển, TS không nên rút ra, nộp vào thay đổi nguyện vọng.

“Điều này không phải nhằm hạn chế quyền lợi và cơ hội của TS, mà giống như cách làm những năm trước đây, TS sẽ có khoảng thời gian nhất định để cân nhắc kỹ lưỡng về ngành nghề yêu thích với mức điểm phù hợp khả năng trước khi quyết định nộp hồ sơ. Khi TS không thay đổi nguyện vọng quá nhiều để vào bằng được ĐH thì việc xét tuyển mới không làm mất đi định hướng nghề nghiệp mà TS đã nhiều năm xác định”, tiến sĩ Hạ phân tích.

Tăng cường quyền tự chủ cho các trường

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng nếu hạ tầng công nghệ thông tin chưa được khắc phục tốt hơn thì Bộ không nên thay đổi quá nhiều quy trình xét tuyển năm nay. Thay vào đó, Bộ nên tăng cường hơn quyền tự chủ của các trường trong quá trình xét tuyển.

Tương tự, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nêu: “Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức như năm 2015 về cơ bản là ổn, quy trình tổ chức kỳ thi này cho năm 2016 nên tiếp tục giữ ổn định. Nếu thay đổi, Bộ nên điều chỉnh đề thi để tăng tính phân loại TS khi xét tuyển vào ĐH”. Về quy trình xét tuyển, thạc sĩ Sơn cho rằng Bộ không nên thay đổi. Năm 2015, Bộ đã đổi mới thi và xét tuyển, nếu năm nay tiếp tục đổi mới sẽ gây khó khăn cho các trường và xáo trộn tâm lý ảnh hưởng không tốt tới TS.

Theo thạc sĩ Sơn, rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay cần phát huy tốt hơn vai trò của trường THPT và sở GD-ĐT trong việc tiếp nhận và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ngay tại tuyến này.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ đề nghị nên điều chỉnh thời gian mỗi đợt xét tuyển từ 20 ngày (năm 2015) xuống còn 10 ngày để tránh tạo nhiều áp lực không cần thiết cho TS và phụ huynh. Đồng thời, giảm số lượng ngành TS được đăng ký trong 1 đợt xét tuyển xuống 2 (thay vì 4 ngành như năm ngoái).

Hà Ánh (thanhnien.vn – 11/01/2016)

Chủ đề liên quan: