Đa dạng hình thức tuyển sinh năm 2016

Cập nhật: 09/08/2023
Dù Bộ GD&ĐT chưa công bố quy chế thi và tuyển sinh năm 2016 nhưng các trường đại học (ĐH) đã bắt đầu đưa ra phương án tuyển sinh của mình. Năm nay, nhiều trường ĐH công lập bổ sung thêm hình thức tuyển sinh mới.

Ông Mai Đức Ngọc, Trưởng phòng đào tạo, Học viện Báo chí tuyên truyền cho biết hội đồng khoa học của trường vừa thống nhất phương án tuyển sinh năm 2016. Theo đó, trường vẫn tuyển sinh 4 nhóm ngành, lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức. Riêng nhóm ngành 1 - nhóm ngành báo chí (gồm 7 chuyên ngành báo in, ảnh báo chí, báo phát thanh, truyền hình, quay phim, báo mạng điện tử, báo chí đa phương tiện) -  thí sinh có thi thêm phần năng khiếu. Trong đó, 2 chuyên ngành Ảnh báo chí và Quay phim truyền hình, thí sinh sẽ được phỏng vấn trực tiếp để thay thế cho phần thi viết luận.

Lý giải sự thay đổi mới này, ông Mai Đức Ngọc cho biết quay phim và chụp ảnh là hai chuyên ngành đặc thù, đòi hỏi người làm việc phải có sức khỏe và khả năng sáng tạo. Thông qua phỏng vấn  sẽ nhận biết và phát hiện được khả năng của người học hơn là qua bài thi viết. Còn lại các chuyên ngành khác của nhóm ngành 1 thông qua bài thi năng khiếu có thể phát hiện được tư chất đối với người làm báo cần phải có. Ông Ngọc cho biết thêm bài thi năng khiếu có 2 phần, trắc nghiệm (đánh giá phông kiến thức văn hóa, xã hội...) và viết luận (đánh giá năng lực ngôn ngữ, tư duy, sáng tạo). Phần trắc nghiệm có thể tất cả thí sinh chọn nhóm ngành 1 đều phải thi. Còn phần viết luận thì sẽ có những hướng dẫn cụ thể đối với từng chuyên ngành.

Năm 2016, Trường ĐH FPT tiếp tục tuyển sinh đầu vào theo hình thức trắc nghiệm và viết luận. Điểm mới trong năm nay là 100% thí sinh sẽ làm bài trên máy tính. Thí sinh muốn nhập học phải đáp ứng tiêu chuẩn học ĐH theo quy định của Bộ GD&ĐT hoặc có điểm trung bình cộng 3 môn (theo tổ hợp môn tương ứng) từ 6 trở lên trong 5 học kỳ ( lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) theo kết quả học bạ THPT. Trường ĐH Luật TPHCM cũng cho biết trường dự kiến tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp kiểm tra năng lực. Theo đó, phương thức tuyển sinh được nhà trường thực hiện qua 2 bước với 3 tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực). Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển vào trường theo từng ngành.

Năm 2016, Đại học Việt - Đức được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh bằng đề kiểm tra riêng vào tháng 5/2016, trước thời điểm diễn ra kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh cũng có thể đăng ký xét tuyển sau khi có điểm của kỳ thi quốc gia vào tháng 7. Bộ GD&ĐT cũng cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh 2 đợt trong năm 2016, trong đó đợt một vào đầu năm và đợt hai vào tháng 8/2016.

Hoa Ban (tienphong.vn – 03/02/2016)

Chủ đề liên quan: