Cần tính lại công thức tính điểm tốt nghiệp
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã giải quyết khá tốt cả hai mục tiêu: dùng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đồng thời để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Kết quả của kỳ thi đã tạo được niềm tin cho xã hội khi tỉ lệ tốt nghiệp hợp lý hơn. Kết quả thi cũng là cơ sở tin cậy để các trường ĐH, CĐ- đặc biệt là những trường ĐH thuộc tốp trên- xét tuyển.
Phân cách đề thi giúp phân tầng ĐH
Ngoại trừ môn ngoại ngữ có phổ điểm khá thấp, các môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã đạt được yêu cầu của cả 2 kỳ thi trước đây đều có phổ điểm “đẹp” (xem biểu đồ). Với kết quả thi này, tỉ lệ tốt nghiệp THPT đã xuống thấp nhất trong 5 năm gần đây (91,58%) nhưng không gây sốc cho xã hội.
Phổ điểm các môn thi THPT quốc gia 2015
Tuy nhiên, một số ngành thu hút thí sinh ở những trường thuộc tốp trên có điểm trúng tuyển rất cao (ngành y đa khoa Trường ĐH Y Dược TP HCM 28 điểm, Trường ĐH Y Hà Nội 27,75 điểm hay các trường thuộc khối an ninh, quốc phòng...). Việc điểm chuẩn trúng tuyển của một số ngành, một số trường tăng rất cao so với những năm tuyển sinh trước còn do nhiều yếu tố khác nhau nhưng ở khía cạnh xét tuyển vào các trường ĐH, cần tiếp tục tăng độ phân cách hơn nữa ở phân khúc điểm cao.
Có thể xem là phiến diện nhưng chất lượng của thí sinh đầu vào (thông qua điểm chuẩn trúng tuyển vào trường) cũng góp một phần trong việc phân tầng các trường. Theo thống kê số liệu của kỳ thi THPT quốc gia 2015, đã có 86 trường ĐH, CĐ xét tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên. Trong đó, 14 trường có điểm chuẩn bình quân của tổng điểm 3 môn xét tuyển từ 24 trở lên (năm 2014 chưa đến 50 trường xét tuyển đủ chỉ tiêu từ đợt đầu tiên).
Trong khi đó, hầu hết các trường ĐH, CĐ ngoài công lập và nhiều trường ĐH, CĐ ở địa phương có điểm chuẩn trúng tuyển chỉ xấp xỉ mức điểm ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào quá trình đào tạo của từng trường ĐH. Nhưng rõ ràng, với các mức điểm chuẩn trúng tuyển cách biệt nhau quá lớn đã tạo áp lực cho các trường có điểm chuẩn trúng tuyển thấp cần phải cải thiện danh tiếng của nhà trường thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu nhà trường nhằm thu hút được học sinh giỏi - tiền đề cho quá trình đào tạo chất lượng sau này.
Tăng độ phân cách đề thi
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, theo quy chế thi, điểm của kỳ thi chiếm khoảng 50% trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT. Với cách tính này, tỉ lệ tốt nghiệp THPT đã giảm gần 8,5% so với năm 2014. Nhiều nhận định cũng cho rằng tỉ lệ này có thể còn thấp hơn nếu như việc đánh giá quá trình học ở năm lớp 12 (điểm các môn thi lớp 12) nghiêm túc hơn.
Một khảo sát của Viện Nghiên cứu giáo dục thuộc Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho thấy ở một số trường THPT, độ chênh lệch giữa điểm trung bình lớp 12 và điểm bình quân 4 môn thi rất cao, trên 3,5. Đồng thời, điểm trung bình lớp 12 năm nay của tất cả các trường này đều tăng lên so với năm trước (trường tăng thấp nhất là 0,18 điểm và tăng cao nhất là 1,64 điểm). Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị giảm trọng số điểm của kết quả học năm lớp 12 để ngăn chặn hiện tượng nâng điểm cho học sinh, tránh tình trạng học sinh có điểm thi THPT quốc gia kém nhưng cuối cùng vẫn tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác như vừa nói ở trên, vẫn cần tăng độ phân cách đề thi, đặc biệt là ở phân khúc điểm cao. Do vậy, có ý kiến đề xuất giảm trọng số của điểm thi các môn trong kỳ thi THPT quốc gia còn khoảng 30%, một phần vì lý do khó lòng ngăn chặn việc cho điểm nâng cao bằng biện pháp hành chính nhưng phần khác là vì có thể kiểm soát được độ khó của đề thi để tăng độ phân cách tốt hơn.
Điều này dẫn đến đề thi của kỳ thi THPT quốc gia có thể phải khó hơn nhưng sẽ tăng độ phân cách cao hơn để các trường ĐH xét tuyển chính xác và hợp lý hơn, đồng thời không ảnh hưởng nhiều đến việc xét tốt nghiệp THPT.
TS Nguyễn Đức Nghĩa
Nguồn: nld.com.vn